Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

NSND Hoàng Cúc: “Tôi từng nổi tiếng khắp trường sân khấu chỉ vì quá mê sách!”

Tại Lễ trao giải cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”, truyện ngắn “Về nhà” của NSND Hoàng Cúc được trao giải Tư. Nữ nghệ sĩ rất vui mừng và bất ngờ vì không nghĩ chỉ tham gia cho vui ai ngờ đoạt giải.

Cảm xúc của NSND Hoàng Cúc như thế nào khi truyện ngắn "Về nhà" của bà đoạt giải tại cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập"?

- Tôi từng có nhiều thơ đăng trên các báo số thường và số xuân. Niềm vui đó luôn là "lực đẩy" để tôi sống lạc quan, yêu đời và sáng tác nhiều hơn. Tuy nhiên, truyện ngắn đoạt giải tại cuộc thi viết truyện ngắn như "Làng Việt thời hội nhập" lại là lần đầu tiên.

NSND Hoàng Cúc rạng rỡ tại lễ trao giải Làng Việt thời hội nhập. Ảnh: Phạm Hưng.

Tôi biết đến cuộc thi qua lời giới thiệu của nhà thơ Vi Thùy Linh. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ mình tham gia cho vui chứ không hề nghĩ mình sẽ đoạt giải. Thật sự khi biết tin tôi được giải và truyện của tôi được chọn in trong sách "Thổn thức gió đồng", tôi vui lắm, cảm hứng dâng trào.

Nhân đây cũng xin cảm ơn báo Nông thôn Ngày kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập". Đây là một "sân chơi" rất bổ ích và lý thú đối với những người yêu văn chương và đam mê viết lách. Tôi mong sẽ có nhiều cuộc thi như thế này ra đời để những người yêu văn chương như chúng tôi có dịp được trổ tài, thử sức.

Đề tài về nông dân – nông thôn – nông nghiệp gợi cảm hứng cho bà như thế nào trong sáng tác?

- Những cảm hứng về đề tài nông thôn luôn đến với tôi một cách bất chợt. Bản thân tôi thích viết những truyện ngắn mang hơi hướng thực tế và phá cách. Với truyện ngắn "Về nhà", tôi đã xây dựng hình tượng một cô bé với giấc mơ lạ kỳ. Nếu ai đọc tinh ý một chút sẽ thấy cô bé này lạc vào khuôn viên của Văn miếu Quốc Tử Giám. Và cô nhìn thấy những cụ rùa bò lổm ngổm quanh Hồ Vọng Nguyệt.

Tôi rất thích chi tiết ấy vì nó gây ám ảnh đối với tôi. Nó khiến tôi thăng hoa, vượt ra ngoài hiện thực của câu chuyện. Qua câu chuyện, tôi mong muốn phóng tầm nhìn về những người trí thức có đam mê, ấp ủ, hoài bão... Những con người này chỉ cần có những thông điệp và tín hiệu để họ không bỏ trôi những dự định, hoài bão của họ.

NSND Hoàng Cúc: “Tôi từng nổi tiếng khắp trường sân khấu chỉ vì quá mê sách!” - Ảnh 2.

NSND Hoàng Cúc chụp ảnh lưu niệm cùng nhà báo Lưu Quang Định – TBT báo Nông thôn Ngày nay, nhà thơ Vi Thùy Linh và hai đồng nghiệp. Ảnh: Phạm Hưng.

Bà thích viết lách từ bao giờ và truyện đầu tiên bà viết là về đề tài gì?

- Tôi cũng không biết mình bắt đầu viết lách từ bao giờ nữa. Chỉ nhớ rằng, năm 13 – 14 tuổi, tôi đã tiếp cận với những tác phẩm vĩ đại của văn chương thế giới. Tôi rất thích các tác phẩm của Puskin, L. Tolstoy, Dostoevsky… Những tác phẩm ấy đã định hình và hòa trộn vào tư duy lẫn nghề diễn của mình. Hồi đó, tôi thường viết tản văn về những gì mình bắt gặp trong cuộc sống. Những tản văn đó không đầu không cuối nhưng lại giải tỏa được cảm xúc cuộn trào trong mình. Sau nhiều lần chuyển nhà, những tác phẩm ấy đã thất lạc mà không tìm lại được.

Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của tôi chính là tình yêu với thơ ca. Tôi nhớ, hồi đó, tôi với một người cháu cũng niềm đam mê thơ ca đã đọc rất nhiều sách. Nhưng vì hồi đó tôi chưa biết thể hiện cảm xúc ra bằng ngôn từ nên bắt đầu bằng việc chép thơ. Tôi đã mài ngòi bút máy và mực tàu để chép lại những bài thơ hay mà mình yêu thích, nhất là các bài thơ tình.

Các tác giả nổi tiếng thế như: Heinrich Heine, Puskin... là những thần tượng lớn mà tôi yêu thích từ bé. Với các tác giả trong nước, tôi yêu thích: Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Khi làm về nhạc kịch, tôi đặc biệt thần tượng tình yêu và tài năng của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết về tình yêu với những điều rất hiện thực, giản dị, chân chất… nhưng vô cùng thiêng liêng. Tình yêu trong thơ ca của họ rất gần và rất xa. Nhiều khi cứ ngỡ đó chính là tình yêu mình đang có hoặc sẽ chạm tới nhưng cũng lại là thứ rất xa, vượt ra khỏi tầm tư duy của một người bình thường.

Những ngày đi học, có lẽ bà cũng là một "cây văn chương" của lớp?

- Không đâu, thời đó chúng tôi đi học trong lớp sơ tán và tôi được chọn vào lớp năng khiếu hát chứ không phải văn. Đến khi lên cấp 3, tôi học rất giỏi văn. Tôi vẫn nhớ, thời đó, cô giáo ra những bài phân tích về thơ của các nhà thơ trong nước hoặc thế giới và có những đoạn thơ trích dẫn tôi thuộc nằm lòng. Nhiều thầy cô giáo ngạc nhiên tột độ vì không hiểu tôi đọc được những đoạn đó ở đâu vì trong chương trình học không hề có.

NSND Hoàng Cúc: “Tôi từng nổi tiếng khắp trường sân khấu chỉ vì quá mê sách!” - Ảnh 3.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Nguyễn Văn Hoài trao giải Tư cho NSND Hoàng Cúc cùng ông Đặng Ngọc Hưng. Ảnh: Phạm Hưng.

Thời đó, mọi thứ đều rất thiếu thốn, đặc biệt là sách vở. Bà đã đọc những tác phẩm lớn đó ở đâu?

- Khi tôi vào trường Sân khấu, tôi thường tìm đến thư viện để đọc. NSND Đình Quang – thầy dạy của tôi lúc đó bảo: "Trong trường có một cô gái trẻ và một ngọn đèn dầu ngồi với nhau suốt đêm đã thành hiện tượng của trường". Tôi không hiểu sao thời đó tôi lại say mê đọc đến thế. Tôi có thể ngồi cả ngày lẫn đêm chỉ để đọc cho xong một cuốn tiểu thuyết. Và có thể chìm đắm trong những cảm xúc của nhân vật sau khi đọc cuốn tiểu thuyết ấy cả tháng trời.

Bây giờ bà vẫn duy trì thói quen đọc sách như thuở sinh viên?

- Bây giờ tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách và xem phim mỗi ngày. Nhưng tôi chuyển qua đọc những cuốn sách thú vị về tình người, về luân thường đạo lý và những bài học nhân ái trong cuộc sống. Đặc biệt tôi rất thích những bộ phim của điện ảnh Mỹ. Bởi lẽ, những tác phẩm này giúp tôi nhận ra sự nhiệt huyết của những nghệ sĩ quốc tế. Tôi có thể ngồi xuyên đêm để xem cho xong một bộ phim vì không muốn bị đứt đoạn cảm xúc. Càng xem, tôi càng thấy nghệ sĩ trong các bộ phim có tần sóng vượt xa mình.

Khi nhận chức Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi thường được giao chọn kịch bản để dựng vở. Mỗi khi chọn kịch bản, ngoài tính tư tưởng đầy triết lý và nhân văn, tôi cũng thường chọn kịch bản của các nhà văn. Ở đây, người ta có văn phong – bút pháp để khi dựng nhân vật, cốt truyện không bị khô cứng. Các nhà văn có giày dặn vốn sống, nhiều cảm xúc … nên văn phong của họ rất giàu tính văn học.

NSND Hoàng Cúc: “Tôi từng nổi tiếng khắp trường sân khấu chỉ vì quá mê sách!” - Ảnh 4.

Người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng NSND Hoàng Cúc trong Lễ trao giải "Làng Việt thời hội nhập". Ảnh: Phạm Hưng.

Những dự định trong tương lai của bà cho một tác phẩm đang ấp ủ, thai nghén?

- Tôi hiện đang đọc cuốn "Biết đủ là phải". Tôi cũng mong muốn tác phẩm dự thi của mình trong cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" sẽ được dựng thành phim và tiếp cận nhiều hơn tới đông đảo công chúng.

Tôi chưa thử sức viết kịch bản sân khấu hoặc phim ảnh nhưng tôi hay viết về chân dung nghệ sĩ. Tôi nhận ra rằng, khi mình viết chân dung nghệ sĩ, mình cũng có văn phong của người viết lách.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn làm thơ để chia sẻ với mọi người trên trang cá nhân. Tôi có viết đôi ba truyện ngắn nữa nhưng chưa đăng lên mạng xã hội bao giờ. Thế nhưng cũng có nhiều người biết tôi viết truyện lắm nên thỉnh thoảng lại có người hỏi xin đọc.

Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.

Theo Dân Việt

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Vận hành khai thác truyền thông: Công ty TNHH Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Tâm Đức
VP miền Bắc: 26 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, p Quan Hoa, Q Cầu Giấy, TP. Hà Nội
VP Miền Nam: Số 03, đường 30, P Linh Đông, thành phố Thủ Đức (TP.HCM)
Email: thukytoasoanhcm@gmail.com
Điện thoại: 0982 194 726
Chịu trách nhiệm nội dung: Đức Vượng
Truyền thông: Ngô Chức
Email: truyenthongso123@gmail.com
Hotline: 0937 083 796
Yêu cầu trích bài dẫn nguồn ghi rõ từ ngoisaokinhdoanh.vn
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight