Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

Bí ẩn dòng tiền của Tâm Lộc Phát - những ẩn số trong báo cáo tài chính và doanh thu “bằng 0”

Trong thời gian gần đây, trên thị trường tài chính đang xuất hiện một “ngôi sao mới nổi” trong việc huy động vốn khi cam kết lợi nhuận lên tới 144%/15 tháng, Công ty CP Truyền thông Tâm Lộc Phát không ngừng mở rộng mạng lưới; có nhiều văn phòng, chi nhánh ở nhiều tỉnh thành. Vậy tình hình công ty này đang kinh doanh như thế nào?

Công ty CP Truyền thông Tâm Lộc Phát được thành lập ngày 28/06/2019 có mã số đăng ký kinh doanh 0108801118, người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Khuyên. Trụ sở chính tại số 345 Lacasta Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Hiện tại, Công ty Tâm Lộc Phát có nhiều văn phòng, chi nhánh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hạ Long, TP. HCM, Bình Dương... Nhưng công ty này đang kinh doanh như thế nào?

Giới thiệu hoành tráng

Thông tin trên website chính thức của Công ty CP Truyền thông tâm Lộc Phát (sau đây gọi tắt là Tâm Lộc Phát) https://tamlocphat.com.vn giới thiệu, Tâm Lộc Phát hoạt động từ năm 2019, đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau từ tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, truyền thông và tổ chức sự kiện, chuỗi cà phê/nhà hàng nghệ sỹ, hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, sản xuất nước tinh khiết, kênh truyền hình và trang TTĐTH (doanhnghiepvadoisong.com.vn), hệ thống taxi Tâm Lộc Phát đến bất động sản, sản xuất cà phê, kinh doanh xăng dầu.

Cũng theo thông tin trên website https://tamlocphat.com.vn, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có tới 59 chi nhánh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Yên Bái, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…Trong đó, có những địa phương thậm chí mở rất nhiều văn phòng, như Thanh Hóa có tới 5 văn phòng, Hải Dương 4 văn phòng.

Văn Phòng chi nhánh Hải Dương – Công ty CP Truyền thông và tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát

Bên cạnh việc liên tiếp mở rộng các văn phòng đại diện, Tâm Lộc Phát còn liên tục tổ chức các buổi họp mặt, tri ân, tặng quà, hay tổ chức hội nghị, hội thảo quy mô hàng trăm người để thu hút nhà đầu tư rót vốn.

Đáng chú ý, trong năm 2022, nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô hoạt động, Tâm Lộc Phát thông báo mở thêm 4 công ty con/công ty thành viên. Những doanh nghiệp này bao gồm: Công ty CP Du lịch Hoàng Anh (chuyên kinh doanh du lịch), Công ty CP Bảo an Lưu Gia Phát (cung cấp dịch vụ bảo vệ, an ninh), Công ty CP Thời trang Talofa (phát triển thương hiệu thời trang); Công ty CP Địa ốc Việt Phát (chuyên đầu tư, quản lý các dự án bất động sản) và Công ty CP Truyền hình Tâm Lộc Phát TV.

Không chỉ có quy mô “khủng”, dàn lãnh đạo gồm 20 người của Tâm Lộc Phát cũng có “profile” khá “hoành tráng”, đặc biệt là Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Khuyên (người đại diện trước pháp luật). Theo giới thiệu của Công ty, bà Khuyên có 15 năm kinh nghiệm trong ngành tổ chức sự kiện, chuyên làm Trưởng ban tổ chức các sự kiện lớn..., hiện đang công tác tại Đài Truyền hình HDTV Việt Nam.

Theo giới thiệu, Tâm Lộc Phát có 1 câu lạc bộ nghệ sĩ làm cùng.

Nghệ sĩ Quang Tèo thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện của Công ty. Ảnh cắt từ clip quảng bá Tâm Lộc Phát.

Ngoài ra, theo như giới thiệu trên trên website tamlocphat.vn: “Sau hơn 04 năm hoạt động, Tâm Lộc Phát nhanh chóng khẳng định được mình là đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức xã hội khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tổng giám đốc Tâm Lộc Phát với 15 năm trong ngành tổ chức sự kiện, chuyên làm Trưởng ban tổ chức các sự kiện lớn, hiện đang công tác tại đài truyền hình HDTV Việt Nam cùng với hơn 20 các Lãnh đạo chủ chốt đa lĩnh vực đã đồng hành cùng giúp đem lại sự phát triển bền vững cho Công ty chúng tôi. Tâm Lộc Phát có 01 câu lạc bộ nghệ sỹ làm cùng như: Đạo diện – Nghệ sỹ Bình Trọng, Nghệ sỹ Quang Tèo, Ca sĩ Ngọc Lâm…. Ngoài ra, Tâm Lộc Phát ký kết độc quyền với truyền hình HDTV Việt Nam và một số truyền hình ...”

Cam kết lợi nhuận cao bất thường

Cụ thể, khi vào trang web này, hiển thị là những lời chào mời huy động vốn với mức trả lãi cao ngất ngưởng, lên tới 9,6%/tháng, với cam kết trả lãi đúng hẹn. Với lời mời chào các gói đầu tư từ 5 triệu đồng tới không giới hạn; trả lãi ngày từ thứ 2 đến thứ 7, nhận toàn bộ tiền sau 15 tháng.

Ví dụ như gói 20 triệu, 1 tuần công ty này sẽ trả lãi từ thứ 2 – thứ 7, lãi suất là 80.000 đồng, tương ứng mỗi tháng 1,92 triệu đồng. Qua 15 tháng sẽ nhận 8,8 triệu tiền lãi và 20 triệu đồng tiền gốc.

Trong quảng cáo mà công ty Tâm Lộc Phát đưa ra, lãi suất là 9,6%/tháng, sau 15 tháng, nhà đầu tư sẽ nhận về 144%, trong đó lãi thực 44%.

Quảng cáo các gói huy động của Tâm Lộc Phát.

Tuy nhiên, một nhà đầu tư của Tâm Lộc Phát thì cho biết, mức lãi suất mà doanh nghiệp này chi trả có thể co dãn, phụ thuộc vào “đàm phán” của nhà đầu tư với hệ thống sales của Công ty.

Và khi tìm kiếm được nhà đầu tư góp vốn, mỗi sales, hay nhóm của sales này còn được nhận tỷ lệ phần trăm hoa hồng khá lớn. Từ đó, nâng tổng lãi suất mà Tâm Lộc Phát chi trả cho chuỗi nhà đầu tư và hệ thống sales lên rất cao, lên tới trên 65% tổng huy động.

Tâm Lộc Phát sử dụng nhiều chiêu bài để lôi kéo nhà đầu tư.

Để tạo tâm lý tin tưởng cho khách hàng về một doanh nghiệp mới được thành lập, Công ty Tâm Lộc Phát đã sử dụng những lời quảng cáo mập mờ để lôi kéo đầu tư: “Tâm Lộc Phát đã mang lại sự hài lòng cho hơn 10.000 nhà đầu tư bởi sự uy tín và chuyên nghiệp. Đặc biệt trong thời gian tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh nhưng Tâm Lộc Phát đã thành công vượt qua bão Covid-19 và trả tiền lời đầy đủ cho nhà đầu tư, mang lại sự an tâm cho nhà đầu tư”...

Doanh thu “0 đồng” lấy đâu tiền trả lãi?

Nhìn vào những gì mà Tâm Lộc Phát giới thiệu về mình, nhiều người sẽ tự hiểu rằng đây là một doanh nghiệp rất “hùng mạnh”. Tuy nhiên, những con số tài chính của Tâm Lộc Phát lại cho thấy một bức tranh rất ảm đạm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020 và năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty ghi nhận con số 0 tròn trĩnh; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ lần lượt gần 4,7 triệu đồng và 4,24 triệu đồng. Những khoản lỗ này đến từ việc công ty phát sinh những khoản chi phí quản lý kinh doanh (năm 2020 là 4,7 triệu đồng, năm 2021 là 4 triệu đồng) và chi phí khác (240.000 đồng).

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020, 2021 – Tâm Lộc Phát.

Về tài sản, trong cả năm 2020 và 2021, tổng tài sản của Tâm Lộc Phát chỉ cấu thành từ 2 nguồn chính là vốn điều lệ và tiền vốn góp cổ đông khác.

Cụ thể, tổng giá trị tài sản của Tâm Lộc Phát năm 2020 là 22,209 tỷ đồng, hết năm 2021 giảm 4 triệu đồng, còn 22,205 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm phần lớn đến 99,5% (22,1 tỷ đồng), hơn 100 triệu đồng còn lại đến từ các khoản phải thu ngắn hạn (khoản này xuất hiện từ năm 2019).

Bước sang năm 2022, tình hình kinh doanh của Tâm Lộc Phát có vẻ tươi sáng hơn khi doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 467,5 triệu đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận gần 273,4 triệu đồng.

Lợi nhuận năm 2022 của Tâm Lộc Phát ghi nhận âm hơn 565,7 triệu động.

Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại cao bất thường gấp 2 lần doanh thu cả năm của Tâm Lộc Phát ở mức 1,033 tỷ đồng. Với chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn, tổng kết năm 2022 Tâm Lộc Phát tiếp tục lỗ 565,7 triệu đồng.

Xét về tài sản của Tâm Lộc Phát trong năm tài chính 2022, tiền và các khoản tương đương tiền vẫn là thành phần chiếm chủ yếu trong 24,49 tỷ đồng tổng tài sản của công ty với tỷ lệ 84,7%, tương đương 20,75 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2022 đã tăng 10 lần so với năm 2021 lên mức 0,99 tỷ đồng; hàng tồn kho 2,56 tỷ đồng.

Có một đặc điểm chung của BCTC 03 năm gần nhất của Tâm Lộc Phát là khoản mục tài sản dài hạn đều ghi nhận con số 0. Trong khi đó, theo như khẳng định của bà Nguyễn Thị Khuyên – Tổng giám đốc, doanh nghiệp có nhiều tài sản là ô tô du lịch cho thuê, nhiều cửa hàng cà phê đang kinh doanh và bất động sản tại một số tỉnh, thành…

Đáng chú ý, mặc dù doanh thu là con số 0 nhưng theo như giới thiệu của Tâm Lộc Phát, “năm 2021 trong bối cảnh cả nước đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, giãn cách xã hội được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, Tâm Lộc Phát đã thành công vượt qua bão Covid-19 và trả tiền lời đầy đủ cho nhà đầu tư”.

Vậy sau 03 năm làm ăn liên tục thua lỗ, không rõ Công ty Tâm Lộc Phát sẽ lấy lợi nhuận từ đâu để chi trả cho nhà đầu tư với mức lãi suất gấp 10 lần lãi suất ngân hàng? Tại sao quy mô tài sản của công ty trong 03 năm kinh doanh tiền chiếm đến 84,7% - 99,5% giá trị tổng tài sản, công ty đã đầu tư và kinh doanh gì?

Với 84,7% - 99,5% tiền trong nguồn vốn (vốn được góp bởi chủ doanh nghiệp) tại sao Tâm Lộc Phát vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư với lãi suất khủng, liệu công ty đang ấp ủ dự án kinh doanh “khủng” nào chưa thể tiết lộ với các nhà đầu tư? Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn góp của nhà đầu tư thế nào?...Khoản tiền mà doanh nghiệp trả cho nhà đầu tư được lấy từ nguồn nào và tại sao không ghi nhận tài sản, doanh thu từ những hoạt động kinh doanh hiện hữu trên báo cáo tài chính là một câu hỏi mà ban lãnh đạo Tâm Lộc Phát cần làm rõ.

Nhiều nghi vấn trong hoạt động kinh doanh của Tâm Lộc Phát

Không chỉ gây khó hiểu với các con số tài chính, Tâm Lộc Phát còn gây hoang mang từ những lời giới thiệu được cho là chiến lược kinh doanh của công ty. Theo đó, như đã nói ở trên, trong năm 2022, công ty thành lập tới 4 công ty con/công ty thành viên nhưng chỉ có Địa ốc Việt Phát và Du lịch Hoàng Anh có chung một dự án Villa được cải tạo làm nhà nghỉ tại Thanh Hóa, và Tâm Lộc Phát TV có một vài bộ phim được phát trên… youtube, các công ty còn lại gần như không có hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, phần giới thiệu "Kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV" lại sử dụng nhiều hình ảnh được chụp với dòng chữ "Truyền hình thực tế HDTV Việt Nam" mà không có chú thích. Điều này khiến người xem có thể hiểu nhầm rằng đây là kênh truyền hình của Tâm Lộc Phát. Nhưng thực tế những hình ảnh trên là của một công ty truyền thông khác.

Ngoài ra, kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV thực chất chỉ là 1 kênh Youtube với hơn 17,2 nghìn lượt theo dõi và chủ yếu đăng về hoạt động nội bộ của công ty.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực hoạt động khác của công ty cũng có dấu hiệu “nổ” như kinh doanh xăng dầu – hiện không thấy xuất hiện trên thị trường; dịch vụ taxi – đã có khai trương ở Ninh Bình nhưng không có dấu hiệu hoạt động, không có hotline gọi xe; trên thị trường cũng không có nhãn hiệu nước uống Tâm Lộc Phát…Trên BCTC của công ty cũng không hề ghi nhận doanh thu từ những hoạt động này.

Kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV thực chất chỉ là 1 kênh Youtube chủ yếu đăng về hoạt động nội của công ty. Ảnh cắt từ clip.

Riêng chuỗi cửa hàng tiện dụng, trưng bày sản phẩm, theo ghi nhận chỉ có một vài điểm và thường được đặt trong trụ sở chính công ty hoặc văn phòng giao dịch. Các cửa hàng này chủ yếu là nơi đưa các nhà đầu tư đến tham quan.

Gian hàng tiện ích bán và giới thiệu sản phẩm – KĐT Văn Phú – Hà Đông.

Đáng chú ý, người môi giới từ phía Tâm Lộc Phát cho biết, tính đến cuối năm 2022, công ty đã có hơn 10.000 khách hàng đầu tư từ 20 triệu đến hàng tỷ đồng, ước tính Công ty có thể huy động đến con số hàng nghìn tỷ đồng theo dạng hợp tác đầu tư. Vậy số tiền này đang được sử dụng với mục đích gì, ghi nhận tại đâu?

Một điều đáng chú ý, trong Giấy phép đăng ký kinh doanh không có ngành nghề nào liên quan đến huy động vốn hay đầu tư tài chính.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trù trường hợp khác có lien quan quy định khác. Hiện nay các mô hình huy động vốn của các doanh nghiệp xuất hiện tại nhiều tỉnh thành phố với nhiều hình thức khác nhau, thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng đặt cọc… nhưng các mô hình này đều mang lại rủi ro lớn cho khách hàng.

Bởi trong trường hợp khách hàng chưa tìm hiểu pháp lý về công ty, loại hình công ty kinh doanh, sản phẩm, dự án... thì ngay cả khi những thông tin về công ty và dự án có thật nếu công ty hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, không thực hiện đúng theo cam kết tài chính thì khách hàng buộc phải mất thời gian để yêu cầu thanh toán tiền bao gồm số tiền gốc và tiền lãi, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể mất trắng. “Thời gian qua nhiều công ty, tập đoàn đã bị khởi tố, điều tra do hoạt động kinh doanh, đầu tư, góp vốn... với hứa hẹn trả lãi suất khủng lên đến hàng trăm phần trăm nhưng sau đó là những cú lừa ngoạn mục với mô hình đa cấp trá hình khiến nhiều người lâm vào cảnh "tán gia bại sản".

Có những trường hợp nhà đầu tư mơ hồ, thậm chí không biết rõ những dự án mình góp vốn với doanh nghiệp nằm ở đâu. Do đó, để tránh đầu tư vào các dự án "vịt giời" dẫn đến "tiền mất tật mang", người đầu tư cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, tìm hiểu kỹ về pháp lý, hợp đồng, những cam kết của chủ đầu tư, khả năng trả nợ của Doanh nghiệp. Nếu không đủ tiền để trả lãi, không cân đối được dòng tiền, Doanh nghiệp có thể bị sập bất cứ lúc nào” – Luật sư thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết

 Theo Việt Nam Kinh tế

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Vận hành khai thác truyền thông: Công ty TNHH Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Tâm Đức
VP miền Bắc: 26 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, p Quan Hoa, Q Cầu Giấy, TP. Hà Nội
VP Miền Nam: 67/30 Đường 100 Bình Thới, P14, Q11, TP.HCM (TP.HCM)
Email: thukytoasoanhcm@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Đức Vượng
Truyền thông: Ngô Chức
Đối ngoại: Đoàn Như Diễm
Email: truyenthongso123@gmail.com
Hotline: 0832 402 889
Yêu cầu trích bài dẫn nguồn ghi rõ từ ngoisaokinhdoanh.vn
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight