Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa

(SGGP) Ngày 25-12 tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hướng đến xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành chiến lược mới, cũng như xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa. 

 Tìm thước đo cho văn hóa

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: Văn hóa bị kêu rất nhiều, nhất là vấn đề văn hóa đạo đức xuống cấp; nhưng thực tế, qua tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, nhiều con số là cơ sở để có thể thấy rõ những bước phát triển của ngành. “10 năm trước, cả nước chỉ có 8 phim truyện và 63 rạp chiếu phim, thì nay con số này là 44 phim (năm 2019) và hơn 500 rạp phim. Văn hóa không chỉ là múa hát mà còn có nhiều biểu hiện qua các số liệu như người dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới bằng sức lực và tiền của”, Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn tới cần chú trọng việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa là sức mạnh mềm để lan tỏa văn hóa Việt đến với thế giới. Chiến lược cũng cần chú trọng đến việc phát triển văn hóa trong yêu cầu mới để theo kịp sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay. 


PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, ngay việc vấn đề văn hóa được đưa ra bàn bạc trên các diễn đàn cao cấp, văn hóa được áp vào mỗi lĩnh vực như văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp… cũng thể hiện vị trí của văn hóa được nâng lên một tầm mới, được coi trọng và đã ảnh hưởng tích cực hơn tới mỗi người dân trong xã hội. Như lĩnh vực du lịch hay thể thao thành tích cao với những kết quả vượt bậc đạt được trong 2 năm qua; việc người dân tham gia sáng tác nghệ thuật; các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến với Việt Nam nhiều hơn… đó cũng là những kết quả của sự tiến bộ về văn hóa. Thước đo cho văn hóa rõ ràng không dễ, nhưng đó là việc làm vô cùng cần thiết để có thể nhìn rõ được sự phát triển hay yếu kém và thay đổi cho phù hợp. 

Công nghiệp văn hóa chưa tạo bước đột phá

Thực tế, ngành công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư đủ mạnh, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn, thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp. Dẫn chứng dễ nhận thấy nhất là công nghiệp điện ảnh, lĩnh vực được chọn là tiên phong trong đầu tư xây dựng công nghiệp văn hóa, mới chỉ có những bước tiến rất nhỏ dù tiềm năng được đánh giá là khá “màu mỡ”. Dấu hiệu tăng trưởng được ghi nhận lớn nhất của ngành mới chỉ dừng lại ở số lượng hãng phim, cụm rạp... 

Th.S Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho biết, tính đến hết năm 2018, nước ta có 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim. Thực tế có khoảng 15-20 doanh nghiệp đang sản xuất phim chiếu rạp, số còn lại chủ yếu sản xuất các chương trình truyền hình, quảng cáo. Công nghệ sản xuất và chiếu phim lạc hậu, tụt hậu, nhất là trong xu hướng công nghệ sản xuất và phổ biến phim của cả thế giới đã chuyển sang công nghệ số hóa. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, mỗi năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất trên dưới 40 phim, chiếm khoảng 25%-30% tổng số phim phát hành trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những phim điện ảnh mang lại doanh thu tốt như Hai Phượng (200 tỷ đồng), Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ đồng) thì khi phát hành và phổ biến trong mạng lưới rạp chiếu phim chỉ có khoảng 10% phim thu hồi được vốn sản xuất, các phim còn lại không thu hồi được vốn, đặc biệt là phim nghệ thuật…

Đại diện lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM cũng thừa nhận: “Hệ thống sản phẩm công nghiệp văn hóa còn nghèo nàn, mẫu mã không thay đổi, dịch vụ chất lượng thấp chưa xứng với tiềm năng sẵn có, không thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, chưa tạo ra được chuỗi sản phẩm…”. Do đó, nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa việc phát triển công nghiệp văn hóa, ngành văn hóa TPHCM đã đưa ra một số giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung tiến độ thực hiện 13 công trình, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ có quy mô 2.000 chỗ, phòng tập luyện đa năng 300 chỗ và các hạng mục phụ trợ khác… 

MAI AN

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Vận hành khai thác truyền thông: Công ty TNHH Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Tâm Đức
VP miền Bắc: 26 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, p Quan Hoa, Q Cầu Giấy, TP. Hà Nội
VP Miền Nam: 67/30 Đường 100 Bình Thới, P14, Q11, TP.HCM (TP.HCM)
Email: thukytoasoanhcm@gmail.com
Điện thoại: 0982 194 726
Chịu trách nhiệm nội dung: Đức Vượng
Truyền thông: Ngô Chức
Đối ngoại: Đoàn Như Diễm
Email: truyenthongso123@gmail.com
Hotline: 0937 083 796
Yêu cầu trích bài dẫn nguồn ghi rõ từ ngoisaokinhdoanh.vn
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight