Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xã hội đang xôn xao về một vụ tranh chấp đất đai tại phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang khi một tài sản đang trong quá trình xét xử lại bị thay đổi hiện trạng bất chấp các quy định pháp luật.
Cộng đồng mạng cho rằng, qua đơn khiếu nại và tố cáo do bà Trấn Thị Thủy, người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Thanh Bình và bà Đỗ Thị Mao - gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí, hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và vi phạm pháp luật trong việc cấp phép xây dựng trên phần đất đang tranh chấp, khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về sự minh bạch trong xử lý vụ việc của chính quyền địa phương.
Đơn cam kết của ông Võ Thanh Bằng xác nhận chỉ đứng tên giùm lô đất 4.330m² tại Dương Đông, Phú Quốc theo ủy quyền của ông Bình và bà Mao, có chứng thực của UBND phường Tân An (Cần Thơ)
Từ lòng tin đến mất trắng tài sản
Vụ việc bắt nguồn từ tranh chấp quyền sử dụng mảnh đất gần 4.000m² tại khu phố 1, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, tình Kiên Giang. Theo trình bày, xuất phát từ phần đất thừa kế của gia tộc tại khu phố 1, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc với tổng diện tích hơn 5.500m², vào năm 2004, bà Đỗ Thị Buội - chị gái của bà Mao - đã tặng lại 2.500m² đất cho vợ chồng ông Bình và bà Mao. Tuy nhiên, vì điều kiện Việt kiều không thể đứng tên trực tiếp, họ đã nhờ ông Võ Thanh Bằng - người họ hàng bên vợ - đứng tên giùm trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đơn xin xác nhận năm 2004, ông Bằng xác nhận không bán hoặc dùng bất cứ hình thức nào đối với phần đất trên
Trong suốt quá trình từ năm 2004 đến 2021, vợ chồng ông Bình đã nhiều lần chuyển tiền với tổng số lên đến 144.950 USD để làm chi phí sang tên, pháp lý và hỗ trợ vợ chồng ông Bằng quản lý đất. Các khoản tiền này đều có chứng từ và email trao đổi đính kèm.
Ông Bằng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh tự ý bán phần đất rồi bỏ trốn
Điều khiến vợ chồng ông Bình bức xúc là dù đã có thỏa thuận từ năm 2004, xác nhận rõ ông Bằng chỉ đứng tên giúp và “không được bán hoặc sử dụng với bất kỳ hình thức nào”, nhưng đến năm 2022, ông Bằng và vợ đã tự ý chuyển nhượng lô đất hơn 3.800m² cho bà Trần Ánh Tuyết mà không có sự đồng ý của chủ đất thật sự.
Ngôi nhà trên phần đất của ông Bình và bà Mao
Đáng chú ý, việc chuyển nhượng diễn ra sau khi các bên đã ký biên bản hòa giải tại UBND phường Dương Đông vào ngày 07/01/2022, với nội dung cam kết “không được chuyển dịch tài sản trong thời gian tranh chấp”. Chỉ 13 ngày sau đó, ông Bằng đã ký hợp đồng bán đất, vi phạm trực tiếp biên bản hòa giải và cả Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 - quy định rõ đất đang có tranh chấp không được phép giao dịch.
Sau khi mua lại từ ông Bằng, bà Trần Ánh Tuyết tiếp tục chuyển nhượng lại khu đất trên cho ông Nguyễn Xuân Dũng vào tháng 5/2022. Vụ việc khiến vợ chồng ông Bình cho rằng đây là một chuỗi hành vi có chủ đích nhằm “tẩu tán tài sản” mà họ đã tin tưởng giao cho người thân đứng tên.
Ông Bằng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã chuyển nhượng lô đất đứng tên giùm của vợ chồng ông Bình cho bà Trần Ánh Tuyết
Hiện tại, phần đất này đã bị sang tên người khác, trong khi vợ chồng ông Bình -những người thực sự được nhận chuyển nhượng và quản lý từ năm 2004 - không còn quyền định đoạt với tài sản của mình.
Cấp phép xây dựng trên đất đang tranh chấp
Dù vụ việc đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Kiên Giang thụ lý từ tháng 3/2023 và có biên bản thẩm định tại chỗ vào tháng 6/2024, nhưng từ ngày 08/5/2025 đến nay, có một số đối tượng lạ mặt ngang nhiên mang gạch, đá, xi măng, sắt, thép và các máy móc thi công, xe cơ giới tập kết tại khu đất và đang tiến hành xây dựng trên diện tích đất đang tranh chấp. Khi bà Thuỷ ngăn cản không cho các đối tượng nêu trên thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp thì các đối tượng đã cung cấp bản tường trình có nội dung UBND phường Dương Đông cho phép xây dựng.
Thậm chí, ngôi nhà cũ - được cho là tài sản hợp pháp của ông Bình và bà Mao - đã bị phá hủy, làm dấy lên lo ngại về việc xâm phạm quyền sở hữu tài sản khi chưa có phán quyết cuối cùng từ tòa án.
Một nhóm người ngang nhiên tập kết vật liệu và thi công trên khu đất đang tranh chấp
Trước tình hình trên, bà Trấn Thị Thủy đề nghị làm rõ lý do vì sao chính quyền phường Dương Đông - cụ thể là ông Huỳnh Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường đã từng ký biên bản giữ nguyên hiện trạng nhưng sau đó lại để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Đặc biệt, trong khi hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất còn nhiều nghi vấn và chưa được làm sáng tỏ.
Ngoài ra, bà Thuỷ cũng đề nghị Chủ tịch UBND phường là bà Trần Mỹ Hiệp có văn bản trả lời rõ ràng, tổ chức cưỡng chế dừng thi công để đảm bảo an ninh trật tự và tính nghiêm minh của pháp luật.
Có thể thấy, việc cho phép xây dựng trên đất đang tranh chấp không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự xã hội, phá vỡ niềm tin của người dân vào chính quyền cơ sở. Dư luận đang trông chờ vào sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan cấp trên, nhằm làm rõ các dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm trách nhiệm nếu có.
Đồng thời, các cơ quan tố tụng cần sớm đưa vụ việc ra xét xử, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và khẳng định sự thượng tôn pháp luật trên địa bàn thành phố du lịch nổi tiếng này.