Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

Doanh nhân Lưu Quốc Cường- Người đồng hành cùng báo chí làm việc thiện

Anh Lưu Quốc Cường - Chủ cơ sản xuất dây điện Lập Quyền được biết đến với những đóng góp không ngừng nghỉ, thường xuyên cùng các cơ quan báo chí làm từ thiện giúp người nghèo.

So với nhiều doanh nghiệp ở TP. HCM mà tôi đã biết, cơ sở sản xuất dây điện Lập Quyền (số nhà 12/31 đường Lê Tùng, phường 13, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) có thể xếp vào loại nhỏ lẻ, cả về doanh số và số lượng người lao động, song người chủ của nó lại được người ta biết đến bởi những đóng góp không ngừng nghỉ cùng với các cơ quan báo chí thường xuyên làm từ thiện giúp người nghèo.

Ông Lưu Quốc Cường, Chủ cơ sở sản xuất dây điện Lập Quyền (TP Hồ Chí Minh).

Người chủ cơ sở kinh tế ấy là anh Lưu Quốc Cường. Gặp anh, nghe anh kể và được chứng kiến các công việc mà anh đã làm, mới thấy hết được tấm lòng của người bỏ công, bỏ sức đi làm từ thiện. Thời kinh tế thị trường, nhiều người chỉ biết nghĩ và lo cho chính họ, chất tiền tỷ hoặc vung tay quá trán cho những cuộc du ngoạn, ăn chơi xa xỉ thì dường như trong cuộc đời của Lưu Quốc Cường, ngoài thời gian dành cho việc tổ chức sản xuất, quỹ thời gian còn lại anh cùng các cơ quan báo chí dành cho những chuyến đi cứu trợ ở nhiều vùng miền trong cả nước.

Anh Lưu Quốc Cường - Chủ cơ sản xuất dây điện Lập Quyền được biết đến bởi những đóng góp không ngừng nghỉ cùng với các cơ quan báo chí thường xuyên làm từ thiện giúp người nghèo.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Hoa ở TP. HCM, Lưu Quốc Cường đã có một tuổi thơ khá nghiệt ngã. Do gia đình đông anh em, nhà nghèo, đời sống kinh tế khó khăn nên học hết lớp 8 phổ thông cơ sở, anh Cường đã phải nghỉ học để phụ giúp công việc của bố mẹ. Anh kể rằng, thời điểm mà anh phải rời xa mái trường cũng là lúc gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Ba bị chính quyền ngụy Sài Gòn bắt vì tội “trốn quân dịch” khiến cho gia đình anh như "con rắn mất đầu", buộc anh phải nghỉ học ở nhà giúp má buôn bán hàng tạp hóa trên vỉa hè để sống qua ngày.

Sài Gòn những năm đó là những tháng ngày ảm đạm, người dân nơm nớp lo ngại và chán ghét cuộc chiến phi nghĩa của ngoại bang, thanh niên, học sinh thì liên tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Đâu đâu, người ta cũng thấy phong trào phản chiến và chống quân địch. Cha anh Cường nằm trong số những con người như thế và cuối cùng, ông đã bị bắt.

Tuổi thơ của anh cứ thế lặng lẽ trôi đi cho đến khi Sài Gòn và các tỉnh miền Nam được giải phóng. Thời điểm này, anh tròn tuổi 15. Theo anh kể thì khi Sài Gòn được giải phóng cũng là lúc người cha của anh ra khỏi trại tù Mỹ ngụy. Được chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện, gia đình anh bỏ nghề buôn bán và mở tổ hợp sản xuất dép sapô. Vào thời điểm đó, những đôi dép sapô do gia đình anh sản xuất, thật không ngờ bán rất chạy. Hàng sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.

Trong ký ức của anh bây giờ vẫn in đậm những ngày anh giúp ba mẹ chở hàng đưa đến bỏ mối cho các cửa hiệu bán lẻ ở chợ Bình Tây. Và chính những việc làm ấy đã giúp anh hiểu cái giá trị đích thực của những việc làm chân chính, cái cao đẹp của người dân bình thường trong đời sống thường nhật: Vất vả kiếm tiền, nhưng đó là những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi và công sức. 

Anh cũng nhận ra rằng, đất nước thống nhất, nhưng quanh anh vẫn còn triệu triệu người nghèo, rất cần được quan tâm giúp đỡ. Do vậy, ngay từ ngày ấy, anh đã có những việc làm đầy tình nghĩa trong việc giúp đỡ, sẻ chia với những người nghèo trong thành phố.

Khi thấy ở thành phố có đông người sản xuất mặt hàng dép sapô, đến đầu năm 1980, gia đình anh chuyển sang nghề mới, đó là đầu tư vào việc tái chế nguyên liệu để sản xuất các loại bao bì. Nhưng ngặt một nỗi, để có nguyên liệu cung ứng cho việc sản xuất mặt hàng này lại gặp rất nhiều trở ngại. Sau ngày miền Nam giải phóng, Mỹ thực hiện lệnh cấm vận kinh tế gắt gao với Việt Nam nên việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, để có nguyên liệu sản xuất mặt hàng bao bì, hàng ngày anh em anh phải tìm đến mọi ngõ ngách trong thành phố để thu mua nguyên liệu về tái sinh lại làm nguyên liệu sản xuất.

Thành phố những năm ấy đứng trước một tình thế hiểm nghèo. Đời sống của quần chúng nhân dân rơi vào tình cảnh khốn khó về nhiều mặt và thiếu thốn đủ bề. Giờ đây nghĩ lại, nhiều người vẫn cảm thấy hãi hùng bởi trước thời điểm đó cái gì cũng thiếu. Thành phố Sài Gòn vốn là chốn phồn hoa, một đô thị đã quá quen với nếp sống tiêu thụ của chế độ cũ, nay mọi cái đều trở nên khan hiếm, đã vậy lạm phát, giá cả lại như con ngựa bất kham. Do không chịu nổi những khó khăn và thử thách, nhiều người đã bỏ trốn đi nước ngoài. An ninh, trật tự diễn biến phức tạp.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, gia đình anh muốn trụ vững, chỉ có con đường duy nhất là dựa vào sức lao động của chính mình. Theo đó, hàng ngày, anh phải dậy sớm, đội nắng đội mưa, thường xuyên phải sống chung với mùi hôi thối, trong khi đó lợi nhuận thu được lại rất ít ỏi. Thấy nghề thu gom các phế thải để tái sinh nguyên liệu sản xuất bao bì quá vất vả, lại gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình nên ba mẹ anh Cường quyết định ngừng sản xuất để trở lại với nghề buôn bán hàng tạp hóa và nước ngọt trên hè phố. Không còn cơ sở sản xuất, hàng hóa lại ế ẩm nên anh em anh đành bước vào cuộc đời đi làm thuê cho các ông chủ. Nhưng để được họ tiếp nhận thì phải biết nghề.

Anh Cường xác định: Đây là dịp tốt để anh vừa có việc làm, vừa học được nghề và tích lũy thêm được kinh nghiệm, vốn sống, cung cách làm ăn trên thương trường. Công việc đầu tiên mà anh làm thuê cho các ông chủ là làm thợ sửa ống nước, tiếp đến là làm cửa sắt. Nghề sửa chữa đường cống ngầm trong thành phố, đối mặt với các tình huống hiểm nguy tới tính mạng, song vẫn phải chấp nhận. Nhiều đêm về, cơ thể mệt nhoài và đau nhừ, song anh vẫn kiên nhẫn, bởi đó là những thử thách đòi hỏi anh phải vượt qua.

Nhưng bù lại, qua những ngày gian khổ ấy, Cường học được nghề, làm quen được với các chủng loại vật tư, thiết bị. Do vậy đến năm 1989, giã từ kiếp làm thuê, anh đã được tiếp nhận vào làm việc ở bộ phận cung ứng vậy tư cảng Sài Gòn. Làm việc ở đây được một thời gian, tích cóp được ít vốn, Lưu Quốc Cường đã mạnh bạo tạo nên một bước ngoặt của cuộc đời. Đó là cùng với một người thành lập một cơ sở sản xuất dây điện, mang tên Lập Quyền.

Trở thành ông chủ với tấm lòng thánh thiện

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lưu Quốc Cường kể rằng, sở dĩ anh phải chuyển nghề và thành lập cơ sở sản xuất của chính mình, vì thời điểm đó đất nước đã bước vào công cuộc đổi mới, tạo đà cho các cơ sở sản xuất phát triển. Theo anh thì lúc đầu khó khăn vô cùng. Cái khó lớn nhất với anh là khâu tiêu thụ sản phẩm, công nghệ và kỹ thuật. Điều đó xem ra cũng dễ hiểu, bởi khi cơ sở sản xuất Lập Quyền được thành lập thì trên địa bàn thành phố đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp, tổ hợp sản xuất mặt hàng này. Hơn nữa dây điện ngoại lại nhập lậu tràn lan.

Vậy làm thế nào để duy trì sản xuất? Sau nhiều ngày đêm trăn trở và suy ngẫm, anh và các đồng nghiệp đã đi đến giải pháp là bỏ công nghiên cứu, tìm tòi, sau đó là học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở hiện đang nắm giữ các công nghệ tiên tiến để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi chất lượng sản phẩm đáp ứng được các khách hàng, anh nghĩ tiếp khâu tiêu thụ.

Anh Cường xác định: Đây chính là vấn đề liên quan đến sự sống còn của một cơ sở sản xuất. Do vậy để giải quyết khâu tiêu thụ, anh lại bỏ công sự lặn lội về các địa phương, tìm đến các chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố để chào hàng, thực hiện phương án bán lẻ theo phép số cộng. Mỗi cửa hàng nhận tiêu thụ cho cơ sở của anh một ít, cứ thế sản phẩm dây điện do cơ sở Lập Quyền sản xuất dần dà được nhiều người biết đến.

Nhiều thời điểm hàng ế ẩm, anh phải bán chịu lấy tiền sau, thậm chí có lúc phải chịu lỗ, hoặc hòa, cốt sao để cơ sở sản xuất vẫn được duy trì. Đặc biệt, vào thời điểm cuộc khủng hoàng tài chính tiền tệ xảy ra ở nhiều nước Đông Nam Á và châu Á, đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Ở vào thời điểm ấy, nhiều cơ sở kinh tế nước ta cũng rơi vào tình trạng suy thoái, sản xuất bị thua lỗ và ngưng trệ khiến cho cơ sở sản xuất của Lập Quyền tuy nhỏ bé và mới ra đời đã bị ảnh hưởng trầm trọng.

Giải quyết bài toán ấy, họ chỉ biết động viên nhau, kiên trì chờ đợi. Do vậy, khi cơn bão tài chính tiền tệ trôi đi, cơ sở sản xuất của Lưu Quốc Cường chẳng những đứng vững mà còn phát triển theo những chiều hướng tốt, sản xuất có lãi, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Các khách hàng dần tìm đến Lập Quyền để đặt mua hàng. Điều đáng nói là trong lúc ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ven có hàng trăm cơ sở sản xuất mặt hàng này khiến cho cuộc cạnh tranh rất quyết liệt, nhưng do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên mặt hàng dây điện do cơ sở Lập Quyền sản xuất vẫn được người tiêu dùng và khách hàng tín nhiệm.

Anh Cường tâm sự: “Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào sản xuất khó vô cùng. Vì thế, để duy trì và mở rộng sản xuất, anh em thường động viên nhau: “Trong thời điểm hiện tại, không có con đường nào khác là phải lấy chất lượng hàng hóa đặt lên hàng đầu. Mình làm gian, làm giả, hàng kém chất lượng trước sau sẽ chết”. Đây chính là lý do để mặt hàng dây điện do cơ sở sản xuất của Lập Quyền ngày càng thu hút được đông đảo khách hàng ở nhiều miền vùng trong cả nước.

So với nhiều ông chủ cơ sở sản xuất khác ở thành phố Hồ Chí Minh, Anh Cường chưa được xếp vào bậc “đại gia”, nhưng những việc làm từ thiện của anh được dư luận đánh giá cao. Có lẽ do xuất thân trong gia đình lao động nghèo, phải lăn lộn và lam lũ kiếm sống từ nhỏ, Cường đã thấu hiểu cảnh nghèo khó của người dân nên nhiều năm trở lại đây, ngoài thời gian dành cho việc quản lý sản xuất - kinh doanh, từ nhiều năm nay anh đã bỏ công sức, tiền của để phối hợp với một số cơ quan báo chí, trong đó có báo Kinh doanh và Pháp luật dấn thân vào các hoạt động từ thiện xã hội.

Anh Lưu Quốc Cường chụp ảnh cùng đồng chí Lưu Vinh, Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật (người ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi làm từ thiện.

Thôi thì đủ loại hình từ thiện cho mọi đối tượng mà đến nay, anh không nhớ chính xác mình đã tham gia từ thiện cho bao người, bao miền quê khác nhau. Chỉ biết rằng, sau mỗi trận bão lũ, xem truyền hình thấy nơi này, địa phương kia bị tàn phá nặng nề là người ta lại thấy có mặt anh. Lúc thì quần áo, chăn màn, khi thì lương thực, thực phẩm. Hoặc mỗi khi đọc báo, nghe đài nhận được thông tin về những cảnh đời nghiệt ngã, khó khăn, trẻ mồ côi cơ nhỡ... là lại thấy anh có mặt trao những phần quà có ý nghĩa. Khi chiếc xe lăn, khi thì năm, mười triệu, lúc bao gạo, bao mỳ...

Anh Lưu Quốc Cường trong một chuyến đi làm từ thiện.

Tôi nhớ mãi, năm ấy sau khi 2 cơn bão số 6, số 7 tràn vào ở một số tỉnh ven biển miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh miền duyên hải, anh Cường và một số phật tử chùa Sùng Lâm ở quận 6, thành phố Hồ Chí Minh gom góp tiền lặn lội đi tàu ra Bắc, kết hợp cùng những người làm báo chúng tôi đến tận nơi có các gia đình bị tàn phá bởi cơn bão ở các huyện ven biển tỉnh Thái Bình và Nam định để cứu trợ. Tuy số tiền không nhiều, nhưng tất cả là tấm lòng, là cái tâm, cái đức, là “một miếng khi đói” dành cho các nạn nhân bão lũ.

Anh Lưu Quốc Cường trao quà cho người dân khó khăn tại TP Sóc Trăng.

Rồi gần đây, vẫn là bão lũ tràn vào các tỉnh Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ, người ta lại thấy anh rong ruổi trong đoàn người đi cứu trợ. Nhiều khi không có xe phục vụ vận chuyển hàng, anh đã sử dụng xe ô tô của cơ sở mình, trong khi đó, cơ sở sản xuất của anh lại phải thuê xe ngoài để chở hàng đi tiêu thụ ở các nơi.

Đặc biệt là vào dịp giáp Tết, người ta lại thấy anh xuất hiện ở các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đi cứu trợ người nghèo ăn Tết. Lần ít thì 10 triệu, lần nhiều là vài chục triệu. Ngoài việc trích tiền từ lợi nhuận của cơ sở sản xuất của mình, anh còn là người hăng hái đi vận động những mạnh thường quân, người có tấm lòng hảo tâm bỏ tiền và cùng đi làm công tác từ thiện. Có nhiều người họ làm từ thiện là theo phong trào hoặc lấy lệ, thì với Lưu Quốc Cường, đó là xuất phát từ tấm lòng, từ cái tâm, cái đức, là tình cảm sẻ chia với người nghèo. Những năm gần đây, khi biết báo Kinh doanh và Pháp luật tổ chức trao học bổng thường niên cho các học sinh nghèo ở 2 trường mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, anh đều tham gia.

Anh Lưu Quốc Cường trao học bổng thường niên cho các học sinh nghèo.

Anh coi từ thiện đã ngấm vào xương, vào thịt của mình. Càng đến với người nghèo, về với các miền quê, vùng sâu, vùng xa, anh càng thấy đất nước đổi mới từ nhiều năm, song ở địa phương này, tỉnh kia vẫn còn nhiều người nghèo quá. Nhà nước chưa lo nổi và rất cần đến tấm lòng hảo tâm của nhiều người như anh.

Nhiều chuyến đi cứu trợ đã thực sự thắt chặt tình cảm của anh với những người dân nơi đây. Có lúc gặp những trường hợp bất hạnh và đáng thương khiến anh không cầm được nước mắt. Mỗi lần như thế càng thôi thúc anh đến với họ, dù họ ở đâu.

Lưu Quốc Cường chưa thật sự giàu có, nhưng tấm lòng của anh đối với người nghèo thật đáng trân trọng!

Theo PV

Nguồn: giadinhvaphapluat.vn

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Vận hành khai thác truyền thông: Công ty TNHH Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Tâm Đức
VP miền Bắc: 26 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, p Quan Hoa, Q Cầu Giấy, TP. Hà Nội
VP Miền Nam: 67/30 Đường 100 Bình Thới, P14, Q11, TP.HCM (TP.HCM)
Email: thukytoasoanhcm@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Đức Vượng
Truyền thông: Ngô Chức
Đối ngoại: Đoàn Như Diễm
Email: truyenthongso123@gmail.com
Hotline: 0832 402 889
Yêu cầu trích bài dẫn nguồn ghi rõ từ ngoisaokinhdoanh.vn
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight