Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

HỒN THƠ VIỆT NAM TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU "ĐỀN BIA" CỦA THI SĨ LÊ TRỌNG ANH VÀ SƠ LƯỢC VỀ NGÔI ĐỀN BIA

SAOVIETNGAYMOI.VN - "Hồn Thơ Việt Nam" nơi hội tụ nhân tài, thi sĩ khắp cả nước hết mình với đam mê thơ ca, thể hiện tài tăng lẫn cảm xúc trong từng câu từ chữ nghĩa, thi sĩ Lê Trọng Anh diễn tả Ngôi Đền Bia vô cùng oai vệ, dũng mãnh trong " ĐỀN BIA"

Đền Bia

Ai về phương Nam
Cho tôi về với
Tiếng lòng hướng cội
Người xa quê hương

Mũ áo quan trường
Phồn hoa Bắc Quốc
Thương dân - nhớ nước
Thác còn chưa yên

Nam dược nước Nam
Cho dân chữa bệnh
Y thuật bao cuốn
Truyền đời đến nay

Thuyền bia về đây
Chìm trong đồng nước
Điềm trời báo trước
Xây đền - dựng bia

Lưỡng quốc Thần Y
Tuệ Tĩnh tâm khuê
Người đã trở về
Cố hương - Tổ quốc. 

Thi Trọng Anh

 

 Vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng và uy nghiêm của ngôi đền Bia, Ảnh: Minh Nam

Chuyện về tấm bia khắc di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh

Đền Bia được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào năm 1936, năm 2007 trùng tu một lần nữa. Di tích đền Bia còn nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến như bệ đá thời Nguyễn chạm khắc tứ linh, tứ quý, cỗ khám sơn son thiếp vàng, tượng Tuệ Tĩnh.

Trải qua hàng trăm năm cùng với bao nhiêu biến cố của lịch sử, tấm bia đá khắc di nguyện của danh y Tuệ Tĩnh luôn tồn tại cùng với thời gianđược người dân ở đây xem như bảo vật thờ phụng suốt mấy trăm năm  qua.

Ngược dòng thời gian vào năm 1385, lúc đó danh y Tuệ Tĩnh đang là một thầy thuốc lỗi lạc. 55 tuổi, danh y bị cử đi kinh lý phương Bắc.

Ông vẫn dồn tâm sức cho việc làm thuốc; sau khi cứu sống Hoàng Hậu nhà Minh lúc đó, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Từ ngày sang phương Bắc, ông không  được trở lại quê hương. Sống ở nơi đất khách quê người nên hậu thế không ai biết chính xác ông mất năm nào.

Hơn 200 năm sau, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người cùng làng với Tuệ Tĩnh soạn khắc lại ước nguyện của người thầy thuốc tài ba khi ông đi sứ Trung Quốc đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh tại Giang Nam, đọc mặt sau tấm bia trên mộ thấy có ghi chữ: "Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với", Nguyễn Danh Nho vô cùng xúc động trước tình cảm luôn hướng về quê hương đất nước của Tuệ Tĩnh. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã thuê thợ làm lại tấm bia và mang về quê hương.      

Tương truyền, khi đó cả vùng quê thôn Nghĩa Phú xã Cẩm Vũ của ông bị ngập nước. Xuôi thuyền gần đến nơi thì thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống nước không lấy lên được. Những tưởng công sức bị bỏ sông bỏ biển thì không lâu sau khi nước sông cạn, nhân dân lại tìm thấy bia. Thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc Nam) người dân đã dựng miếu thờ bia. Ngôi miếu đơn sơ dựng thờ tấm bia đá chỉ cách quê hương Tuệ Tĩnh khoảng hơn 1km.

Từ ngày dựng bia, người dân khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá và xin nước ở đền Bia chữa bệnh. Mỗi ngày có hàng nghìn người đến Đền xin thuốc.

Năm 1846, vua Thiệu Trị đã hạ chiếu cấm việc cúng bái và xin thuốc mang màu sắc mê tín. Nhà vua đã sai lính mang tấm bia cất giữ trong kho. Đến năm 1936, có một người làng Văn Thai làm chức thủ kho đã lấy lại tấm bia bí mật đem về Đền. Từ đó người dân tứ xứ lại trở lại đền xin thuốc. Tin đồn lại đến tai vua, nhà vua sai lính đục hết chữ khắc tạc trên tấm bia làm cho không ai còn đọc được nữa.

Trưởng ban Quản lý di tích Hà Quang Thành cho biết, để cất giấu tấm bia đá này, người dân làng Văn Thai đã đặt trong tường chùa Văn Thai rồi xây kín lại. Nhờ đó mà tấm bia tồn tại được cho đến ngày hôm nay.

Vẻ đẹp ngôi đền thiêng

Đền Bia nằm phía trong chân đê sông Thái Bình, thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ngôi đền này được xây dựng gồm ba tòa; Tiền tế, Nhị đệ và Hậu cung theo lối kiến trúc tiền nhất hậu đinh.

Đây là một không gian thờ tự rộng rãi khang trang. Trong khuôn viên, cùng với những cây cổ thụ toả bóng còn có những vườn thuốc Nam xanh tươi.

Ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo sử sách trong chùa viết lại thì bức tượng này do nhân dân trong làng Văn Thai tự tay đúc để thờ từ những ngày đầu xây dựng đền.

Tuy nhiên, đem lại sự nổi tiếng cho đền Bia không chỉ có bức tượng đồng này mà còn bởi tấm bia đá cổ được đặt phía sau cùng của gian hậu cung. Tấm bia như một cột đá nhỏ, cao khoảng 80cm rộng khoảng 20cm đầu được mài nhọn. Theo năm tháng, tấm bia đã xuống màu cùng thời gian.

Tầm bia đá được đặt trang trọng tại Hậu cung Đền Bia, Ảnh:TL

Ngôi đền còn có công trình độc đáo là vườn thuốc nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu. Phát huy truyền thống y dược và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính quyền và ngành y tế, Hội Y học cổ truyền dân tộc huyện Cẩm Giàng hiện đã thành lập tổ chẩn trị y học, chuyên bốc thuốc Nam chữa bệnh và trồng nhiều cây thuốc tại khu vực đền Bia. Hằng năm, nhân dân thập phương vẫn đến đền Bia để cắt thuốc và tưởng nhớ Tuệ Tĩnh - Đại danh y của dân tộc với tấm lòng thành kính.

Trong những năm qua, Ban Quản lý di tích đã nhận được nhiều “tấm lòng vàng” công đức của các doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm, đặc biệt là sự đóng góp của các danh y, lương y trên vùng quê văn hiến Thành Đông trong việc trùng tu, tôn tạo ngôi Đền, góp phần tôn vinh nghề thuốc Nam dân tộc ta. Trưởng ban Quản lý di tích Hà Quang Thành chia sẻ, trong thời gian tới sẽ hoàn thành hồ sơ trình lên Chính phủ công nhận Đền Bia là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tổng hợp: Hồ Pha

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Vận hành khai thác truyền thông: Công ty TNHH Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Tâm Đức
VP miền Bắc: 26 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, p Quan Hoa, Q Cầu Giấy, TP. Hà Nội
VP Miền Nam: 67/30 Đường 100 Bình Thới, P14, Q11, TP.HCM (TP.HCM)
Email: thukytoasoanhcm@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Đức Vượng
Truyền thông: Ngô Chức
Đối ngoại: Đoàn Như Diễm
Email: truyenthongso123@gmail.com
Hotline: 0832 402 889
Yêu cầu trích bài dẫn nguồn ghi rõ từ ngoisaokinhdoanh.vn
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight