Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

HỒN THƠ VIỆT NAM TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU

SAOVIETNGAYMOI.VN - "Hồn Thơ Việt Nam" xin trân trọng mời quý vị thưởng thức tác phẩm "KIẾP BẠC BẢN HÙNG CA" của thi sĩ Lê Trọng Anh

Kính dâng anh linh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

                 

KIẾP BẠC BẢN HÙNG CA

 

Đây địa linh Kiếp Bạc

Bên dòng Lục Đầu Giang

Giữa Nam Tào - Bắc Đẩu

Đền Đức Thánh hùng thiêng

 

Ngài tướng tài thế giới

Ngài Đức Thánh hiển linh

Người trời xuống hạ giới

Phò trợ cho dân mình

 

Ngài là cha đích thực

Xưa - nay - sau của dân

Trọn lòng son trung - hiếu

Của nòi giống Tiên - Rồng

 

Vĩ nhân khi còn sống

Vua, dân đã dựng đền

Các Minh quân - Hoàng đế

Đều cúi mình dâng hương

 

Lưng tựa núi Trán Rồng

Trước Cồn Kiếm giữa sông 

Đền kiến trúc cổ kính

Theo Tiền Nhất - Hậu Đinh

 

Trước Nghi Môn uy dũng

Nhà Thành Các hai bên

Vua - Quan sửa mũ, áo

Trước khi vào lễ đền

 

Nhà Bạc nằm chính giữa

Két bạc chứa thoi đầy

Vua quan bao triều đại

Dành tâm - của về đây

 

Giếng Mắt Rồng trong vắt

Nguồn nước thiêng truyền thuyết

Tụ tinh khí trời đất

Tuôn trào suốt tháng năm

 

Hai dãy dài Dải Vũ

Hai hàng cây rễ buông

Những kỷ vật còn đó

Cọc Bạch Đằng kháng Nguyên

 

Bước vào đền Tiền Tế

Ban Công Đồng ngát hương

Trên cao bức Đại Tự

Dưới Cửa Võng - Y Môn

 

Giữa Dĩ Thiên Vô Cực

Tả Vạn Cổ Anh Minh

Hữu Nam Thiên Hiển Thánh

Tôn danh Đức Thánh Trần

 

Hậu cung tượng Đức Thánh

Linh nghiệm lời tấu bày

Ngài ban tài phát lộc

Cho Đế Vương giống nòi

 

Đầu thế kỷ mười ba

Giặc Mông - Cổ tung hoành

Vó ngựa khắp Âu - Á

Tang thương mầu chiến tranh

 

Châu Âu chiếm gần hết

Nhà Tống đã đầu hàng

Họa chiến tranh thảm khốc

Đã áp kề biên cương

 

Nghìn hai trăm hai tám

Nước Nam phủ Thiên Trường

Trời gửi xuống hạ giới

Một con người phi thường

 

Văn thông làu kinh sử

Võ binh pháp tinh tường

Tâm như mặt trời mọc

Đức của bậc Thánh Hiền

 

Viết binh Thư Yếu Lược

Lòng cốt ở sức dân

Truyền đi Hịch Tướng Sỹ

Trên dưới chí đồng lòng

 

Mấy đời vua phò trợ

Chữ hiếu là nước non

Khoan thư gây sức mạnh

Dân là gốc vững bền

 

Ba lần chống xâm lược

Quân Nguyên thế chẻ tre

Đối đầu là thất bại

Chọn hiểm yếu lui về

 

Áp dụng thuật du kích

Lấy số ít địch nhiều

Nghỉ ngơi đánh mệt mỏi

Tích lương thảo đợi thời

 

Tạo vườn không nhà trống

Giặc vào chỗ không người

Chủ quan sinh tự mãn

Việc quân trễ bỏ lơi

 

Tay khắc dòng Sát Thát

Mở hội nghị Diên Hồng

Già trẻ đồng quyết đánh

Xây sức mạnh nhân dân

 

Tướng tài dùng đúng chỗ

Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu

Lấy đức hiền hòa hiếu

Làm đoàn kết trong triều

 

Yếu tìm nơi tránh né

Dùng ly gián, mỹ nhân

Được thời thì thần tốc

Áp đảo dánh tan tành 

 

Khơi dậy sức dân tộc

Lòng oán hận hờn căm

Khi triệu người là một

Thác lũ quét ngoại xâm

 

Dồn chủ công quyết chiến

Đông Bộ Đầu - Thăng Long

Lục Đầu Giang - Vạn Kiếp

Trận thủy chiến Bạch Đằng

 

Khi hờn căm chất chồng

Khi lòng dân đã đồng

Nắm thời cơ chắc thắng

Tiết Chế tổng tấn công

 

Bao chiến công chói lọi

Làm khiếp mộng xâm lăng

Trừ Phạm Nhan ma thuật

Thoát Hoan chui ống đồng

 

Ba lần chống xâm lược

Vua phong Tiết Chế Công

Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn

Dân tôn Đức Thánh Trần

 

Khải hoàn ngày chiến thắng

Về Kiếp Bạc, Chí Linh

Giữ yên miền Đông Bắc

Xa phồn hoa kinh thành

 

Công lao như trời biển

Không chút màng lợi danh

Người như sợi chỉ thắm

Nối triều đình - nhân dân

 

Ngày hai mươi tháng tám

Năm Canh Tý trời mưa

Kiếp Bạc chìm nước mắt

Trong tiếc thương rủ cờ

 

Bảy hai quan tài thắm

Bảy hai chiếc bình đồng

Gửi vào lòng đất mẹ

Di hài bậc Thánh Nhân

 

Ngài đã rời hạ giới

Lên cõi thiêng nhà trời

Để lại vầng sao sáng

Cho Vua - Dân muôn đời

 

Khắp mọi miền tổ quốc

Đền thờ Hưng Đạo Vương

Ngài phù hộ che chở

Từ Vua - Quan - Dân thường

 

Mỗi năm ngày trọng lễ

Trăm nghìn người về đây

Dâng hương lòng thành kính

Trước Đức Thánh tấu bày

 

Trên sông lễ Rước Thủy

Hội quân rợp cờ bay

Hai mươi vạn tướng sỹ

Sát Thát khắc cánh tay

 

Tiết Chế Công uy dũng

Hịch Tướng Sỹ truyền vang

Thưởng ba quân tướng sỹ

Rượi nước Lục Đầu Giang

 

Trong đền lễ Túc Yết

Dòng người chật như nêm

Trời đổ mưa mở cửa

Gột rửa bụi trần gian

 

Kiệu Rồng rước Đức Thánh

Quân sỹ xếp hàng hàng

Trong tiếng kèn tiếng trống

Ngân vang khúc khải hoàn

 

Đạo nội tôn Giáo Chủ

Đầu các Thánh trăm miền

Cùng phù hộ che chở

Cho Quốc thái - dân an

 

Người người xin Phù Ấn

Trừ tà thuật quái ma

Tấm lụa in gươm ấn

Treo trên cửa mỗi nhà

 

Phủi sạch lòng trần tục

Tâm thanh thoát dạ ngay

Cầu xin Ngài tài lộc

Học tâm đức của Ngài

 

Ghi tạc lời Đức Thánh

Xưa nay bại hay thành

Khơi nguồn tự lòng dân.

Thi Trọng Anh

 

KIẾP BẠC TRONG THƠ

Trọng Anh

Nhà thơ Lê Trọng Anh với hai tập thơ Tâm sự và Thơ tình tuổi năm mươi do Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa ấn hành đã nổi lên trong giới và thi đàn Hải Dương như một hiện tượng văn học. Mười hai nhạc sỹ tên tuổi hàng đầu Việt Nam như: Huy Thục, Huy Du, Hoàng Vân, An Thuyên, Tân Huyền, Cát Vận, Phạm Tuyên, Thuý Nga, Đoàn Bổng, Thuận Yến, Văn Dung và Mai Đoan đã phổ nhạc mười tám bài thơ của anh. Các tác phẩm âm nhạc đã được các ca sí Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Tố Uyên, Minh Phương, Minh Huyền, Hoàng Tùng, Tiến Hỷ…biểu diễn tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng. Được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình quốc gia. Lê Trọng Anh nổi trội như một sự kiện văn hoá. Hoạt động nghệ thuật của anh đã làm rạng danh quê hương đất nước. Cho nên chúng ta vui mừng chào đón tác phẩm mới của anh viết về Kiếp Bạc, một địa danh lịch sử, tâm linh quan trọng của đất nước Việt Nam, một điểm nhấn nhạy cảm trong tầm ngắm của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình Văn Học và bạn yêu thơ gần xa. Nói thực ra, giữa Kiếp Bạc và Côn Sơn, thơ hơi nghiêng về Côn Sơn, có thời Côn Sơn được chọn làm tên của Tạp chí văn nghệ của tỉnh Hải Dương. Giải thưởng Côn Sơn vẫn là giải thưởng văn học, nghệ thuật cao nhất của tỉnh Hải Dương. Cho nên bên cạnh sự mừng vui, bạn yêu thơ không thể  không hồi hộp, chờ đợi và lo lắng cho tác giả như lo lắng cho đội bóng quốc gia mỗi lần chạm chán với đội bóng Thái Lan vậy.

Về Côn Sơn không nói nữa, nó vào thơ vững như bàn thạch từ thế kỷ 15 với Côn Sơn ca của Đại thi hào Nguyễn Trãi. Với Kiếp Bạc chỉ thấy mấy dòng thơ ghi trên lối ra vào của Đền Vạn Kiếp. Đó là câu thơ 5 chữ Vạn cổ thử giang san có từ thời dựng đền, tác giả sống trước thế kỷ 15 và đôi câu đối tác giả sống muộn hơn và là ai còn đang tranh cãi Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí – Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh, tất nhiên còn nhiều câu đối khác song không mấy nổi tiếng Trùng hưng công nghiệp lưu thanh sử - Vạn Kiếp binh thanh tố Bạch Đằng, Thiết Bạch Đằng Mộc Luỹ tiễu trừ Ô Bá – Chỉ Hoàng Việt kim qua khu tróc Nguyên Mông (chép lại của Nguyễn Đình Kế trong Duyên mùa thu Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006). Nói thế, để thấy trong thế kỷ 20 và từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20, thơ Kiếp Bạc ít hơn rất nhiều so với nhạc Kiếp Bạc, ít và cũng không thật hay với đẳng cấp có thể bào cõi bất tử.

Ôi, Lê Trọng Anh, nhà thơ làm quen với bạn đọc yêu thơ bằng những khúc giao duyên lục bát Mắt người vẫn thủa đang yêu – Môi người gợi nhớ bao điều ước ao, những chí khí khi tỏ tình người đẹp Đừng trách anh hững hờ em nhé – Bởi chí trai như những con thuyền – Phải ra khơi dù có vào giông tố - Nếu có chìm cũng phải đáy đại dương và đắm say trong suốt bốn mùa Anh sẽ làm mùa Hạ - Nếu em là mùa Đông – Chia một chút nắng hồng – Thành mùa Xuân hoa nở, tất nhiên anh có viết thế sự, viết kỷ niệm trong quân ngũ, có viết với nhiều chiêm nghiệm chân thành như ấn tượng hùng ca nói cho công bằng đứng vào hàng hai trong thơ anh. Nay, ném cả mùa Xuân của năm Đinh Hợi, năm vàng, năm thiêng của cả thập kỷ, từ thời khắc Giao thừa sang đầu mùa ve kêu để vật lộn cho được 175 câu thơ Kiếp Bạc. Ngay nghĩa cử văn chương ấy cũng đáng ngả mũ bái phục rồi, cho nên, các bạn thơ gần gũi vùa mừng cho anh, vừa lo và có gì đó như là thương cho một tác giả thơ duyên dáng, đáng yêu tự ra cho mình một bài toán đa ẩn, cấp số vô cùng và mọi người sẵn sàng đón đọc anh như một lực sĩ văn chương vào bãi tập trước khi cho ra một kỷ lục thế vận hội.

Tôi coi 175 câu thơ Kiếp Bạc bản hùng ca như một trường ca. Trường ca mi ni này có kết cấu như Loa thành của An Dương Vương với ba vòng tròn đồng tâm khép kín. Mà tâm điểm chính là hình tượng anh hùng trung tâm Kiếp Bạc và chủ nhân vĩnh viễn của nó là anh linh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nếu tính cả trường ca 175 câu gồm 44 khổ thì vòng loa thành ở trong cùng gồm 12 khổ là hình hài Đất uy, nhân thánh đắp trên phù điêu, dựng trên đài tượng. Nguyên những khổ đầu này đã tiêu biểu cho phong cách của cả bài giao thua giữa hiện đại và truyền thống, hiện đại ở cách nhận diện con người và mảnh đất với những đánh giá đã định hình qua 7, 8 thế kỷ, ở những nhãn quan chính trị của thời đại Hồ Chí Minh và cả thành tựu đập cũ ra mới của thời đại đổi mới. Và truyền thống chính là từ phong cách sử thi, truyền thuyết trong một tứ hai lần điệp lại trong trường ca Người trời xuống trần thế - Phò trợ cho dân mình.

Có thể nói đó là câu thơ hợp hệ - từ - trường - tâm – linh mà người đời đã nói từ lâu Đức Thánh Trần. Sau câu đó tất nhiên phải có những câu tương tư như ý điếu văn Bác Hồ của Tổng bí thư Lê Duẩn: Non sông, tổ quốc ta đã sinh ra người và người đã làm rạng rỡ Non sông, tổ quốc. Lê Trọng Anh dùng cách miêu tả ruột thịt, thân cận hơn:

Người là cha đích thực

Xưa – nay – sau của dân

Trọn lòng son trung hiếu

Của nòi giống Tiên Rồng

Trong vòng tròn đầu tiên này Kiếp Bạc được ống kính thơ đặc tả kỹ hơn, dẫu sao đây cũng vì bạn đọc mà nhà thơ phải lan man theo cảm xúc ban đầu của chính mình khi đến một vùng danh thắng được giữ gìn và tu bổ an toàn vào bậc đệ nhất thắng cảnh trong một nước biết bao lần đánh gục các cường quốc xâm lược sừng sỏ trên thế giới. Tất nhiên, đó cũng là nhu cầu tự thân của màn 1 trong một đêm diễn, đoạn Prê luýt của bản nhạc giao hưởng, phòng khai mạc của một nhà bảo tàng.

Đây địa linh Kiếp Bạc

Bên dòng Lục Đầu Giang…

…Lưng tựa núi Trán Rồng

Trước Cồn Kiếm giữa sông

Và đi vào từng mảng của đền cũng là để tôn vinh Đức Thánh, vẽ mây để nảy trăng, tả hoa xuân để ca ngợi mặt trời, lời thơ trau chuốt, nhạc thơ thâm trầm, ý thơ sâu xa, cả thiên tài của Đức Thánh, cả lòng dân bốn phương, cả lịch sử anh hùng của một dân tộc anh hùng làm viền ven và đai đế cho những đoạn thơ. Nơi toạ lạc uy nghiêm Giữa Nam Tào, Bắc Đẩu – Đền Đức Thánh hùng thiêng, nhà Thành Các, Nhà Bạc, Giếng Mắt Rồng, hai dãy Dải Vũ, Đền Tiền Tế, Ban Công Đồng, Hậu Cung. Có thể nói những bức Đại Tự được nhắc lại nguyên văn cũng là dấu ấn của muôn đời lưu viết, không cần dịch cũng là một nét thi pháp đấy:

Giữa – Dữ thiên vô cực

Tả - Vạn cổ anh linh

Hữu – Nam thiên hiển thánh

Tôn danh Đức Thánh Trần

Loa thành vòng hai rộng hơn đến 21 khổ thơ, phần này có nét chung là không mới, vì nó có nhưng dư vang triết luận quá nhiều trong thơ, mà nhà thơ Lê Quý Đôn đã nói rồi Nói kỵ thẳng, ý kỵ nông, mạch kỵ lộ, thi vị kỵ ngắn, âm vận kỵ tán hoãn. Hầu như vốn sống thế kỷ 13 bị Lê Trọng Anh coi nhẹ, cho nên nhà thơ mắc vào tứ ly trong phép làm thơ Truy thượng cao dật như li vu viễn, đấy là một bệnh tối kỵ trong diễn tả mà sách xưa đã dạy Li tịch thâm, li thư sinh, li vu viễn và li khinh phù. Tuy thế bao nhiêu cái được chính là ở phần này bằng lời thơ dễ hiểu, những bài học, kiến thức quân sự trong 3 cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông được gợi lại bằng cả hai cấp độ chiến lược và chiến thuật, mà cái hay nhất là những bài học thời chiến có thể dùng lại cho thời bình. Trước hết là đức độ của những người đứng đầu quân ngũ Văn thông làu kinh sử - Võ binh pháp tinh tường - Tâm như mặt trời mọc - Đức của bậc thánh hiền. Có tài mà không có tâm, có đức là hỏng, càng tài càng hỏng. Thơ cổ có câu Đức trọng nhân trường thọ - Tâm khoan phúc tự lai. Chúng ta đang học tập đạo đức Hồ Chí Minh, đó là dấu vết thời sự trong một áng thơ về thế kỷ 13. Bằng cách chuyển trọng tâm vào hình tượng Đức Thánh Trần trong các trận chiến lịch sử, dẫu sao đây cũng là một Loa Thành thứ hai làm Đức Thánh từ bức phù điêu vòng một sống muôn đời trong cuộc sống dân tộc Việt Nam, bốn nghìn năm không rời gươm báu, trong hòa bình, dựng xây vẫn duy trì cuộc sống chiến tranh nhân dân, xây dựng quốc phòng toàn dân. Những lời kể vắn tắt ở mức niên đại cũng mở luồng cho bạn đọc đồng sáng tạo với tác giả, đây là những đoạn thành công nhất trong phần nói rõ sức mạnh kẻ thù Châu Âu chiếm gần hết - Nhà Tống đã đầu hàng - Họa chiến tranh thảm khốc - Đã sát kề biên cương. Đoạn thơ bốn dòng này hay ở lối viết dân gian, khẩu ngữ nó gây được không khí mà không tốn lời, thoát một vòng vây từ Hán - Việt

 Do tính trang trọng và gợi cổ của cả phần. Có thể nói sử dụng linh hoạt các trường từ đối địch nhau; trường từ tâm linh với trường từ xã hội, chính trị thông dụng, trường từ Hán - Việt với trường từ dân giã, khẩu ngữ càng tôn thêm các chi tiết thơ sắc nét của đời thực mà ở đây có đất để triển khai hàng loạt mô típ trường ca, có thể lấy nguồn từ dã sử, truyền thuyết Mấy đời vua phò trợ - Chữ hiếu là nước non – Khoan thư xây sức mạnh – Dân là gốc vững bền là một trong những khổ thơ hay nhất. Còn lạc sang hơi vè và diễn ca là các khổ: 20,21,26,27. Tôi thèm những đoạn giầu chi tiết nghệ thuật như Trừ Phạm Nhan ma thuật – Thoát Hoan chui ống đồng. Các khổ thơ miêu tả giai đoạn cuối đời của Đức Thánh thật cảm động. Chính ở phần cuối đoạn hai, các câu thơ trầm, buồn, chia tay âm, dương cách trở. Thơ đã đạt chuẩn Đường Thi chân chính Ngày hai mươi tháng Tám – Năm Canh Tý trời mưa – Kiếp Bạc chìm nước mắt – Trong tiếc thương rủ cờ. Rồi cảnh đưa tang kỳ vĩ, khai thác dã sử, chi tiết nghệ thuật đa mưu, túc trí của người tinh tường binh pháp Bãi hạp chi thuật; Sơ nhi bất lậu (tuyệt đối bí mật) của Quỷ Cốc tiên sinh Bảy hai quan tài thắm – Bảy hai chiếc bình đồng – Gửi vào lòng đất mẹ - Di hài bậc thánh nhân.

Vòng loa thành thứ 3 là Kiếp Bạc và Đức Thánh Trần vào cõi tâm linh, lại một lần chi tiết sử thi, thần thoại được miêu thuật đến bốn dòng thơ rất đại chúng mà siêu phàm, kỳ diệu, tập trung cao sáng tạo dân gian Người đã rời hạ giới – Lên cõi thiêng nhà trời – Để lại vầng trăng sáng – Cho vua, dân muôn đời. Riêng cụm từ Cho vua, dân muôn đời  không chuẩn về nghĩa đen, chứng tỏ có lúc Lê Trọng Anh cũng nệ vần mà không tỉnh về ý. Các khổ thơ tiếp theo miêu thuật hào quang tâm linh của Đức Thánh trong dân tộc với số đền thờ nhều vô kể từ Nam chí Bắc. Lễ hội ở Kiếp Bạc và nhiều nơi thành quốc lễ, trên sông lễ rước thủy, trên bộ kiệu rồng rước Đức Thánh, tác giả không quên ghi cả lễ hầu bóng ở nội đền. Ở đó không chỉ có uy vũ với quân ngoại xâm. Nếu Lê Trọng Anh khơi lại truyền thuyết chiếc khánh đá cứ có giặc xâm phạm ngoài biên ải là khánh đá tự kêu, hay các đồn lửa theo ngũ hành sơn mà truyền đến Nam Tào, Bắc Đẩu…thì uy vũ trước giặc ngoại xâm càng đậm. Ở trong đền còn uy vũ trong thời bình Người người xin Phù Ấn – Trừ tà thuật, quái ma – Tấm lụa in gươm ấn – Treo trên cửa mỗi nhà. Và nhất hạng là, người như nêm vào đền để Phủi sạch lòng trần tục – Tâm thanh thoát dạ ngay – Cầu Ngài ban tài lộc – Học tâm đức của Ngài.

Qua ba vòng Loa Thành, Lê Trọng Anh miêu tả thành công sự hóa thân linh diệu của hình tượng Đức Thánh Trần trong đời sống dân tộc, không phải vị anh hùng nào khi đã thác mà non chục thế kỷ qua vẫn sống với đời, với dân tộc và trong lòng nhân dân như thế. Hữu xạ tự nhiên hương, chúng ta tin chủ đề tư tưởng ấy của Lê Trọng Anh là chuẩn, phô diễn nôm na theo kiểu chiến trường ngắn gọn của thể thơ năm chữ mà chuyển tải được chủ đề trên là cấp độ nghệ thuật không thường, không phải là tác giả có mặt trong đội ngũ anh bộ đội cụ Hồ, chiến đấu xả thân vì nước, bước chân từng trải  dọc, ngang khắp mọi miền Tổ quốc, không thể có tâm, có tầm, có tài để với tới một đề tài đòi hỏi trái tim phải trong sáng, trí tuệ phải sáng ngời, tâm hồn phải thuần Việt.

Kiếp Bạc bản hùng ca có thể và chắc chắn không phải là bản thảo duy nhất về Kiếp Bạc của Lê Trọng Anh. Nếu dựa vào sử liệu và dã sử, truyền thuyết, với trí tưởng tượng dồi dào, phong phú, các trường ca lớn ngàn câu thơ đa thể sẽ ra đời. Trong các bản thảo ấy biết đâu sẽ có kỷ lục thế vận hội kiểu I li át của Home, hay Côn Sơn ca. Mừng cho Lê Trọng Anh và mong ở nhà thơ Lê Trọng Anh.

Hồ Pha

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Văn phòng: Tòa nhà ĐN3 đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0832 402 889
Email:
truyenthongso123@gmail.com
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight