Sáng ngày 15/7/2023, tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, Tp. Rạch Giá (Kiên Giang) Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang Khai mạc Lớp tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí và xử lý hậu kỳ sản phẩm phát thanh, truyền hình”.
Phát biểu tại lớp tập huấn, Nhà báo Đoàn Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, Lớp tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí và xử lý hậu kỳ sản phẩm phát thanh, truyền hình” được tổ chức nhằm giúp các hội viên, phóng viên, nhà báo,… tiếp cận công nghệ hiện đại trong sản xuất báo chí với các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, góp phần thực hiện mục tiêu "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Lớp tập huấn có trên 75 học viên tham dự là các hội viên, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí; các chi hội nhà báo, câu lạc bộ trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang; phóng viên các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, thành phố trong tỉnh; cán bộ biên tập một số cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày, gồm 2 chuyên đề do giảng viên Phạm Tấn Anh Vũ - Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần Giải pháp Trí thông minh nhân tạo Việt Nam VAIS hướng dẫn.
Chuyên đề 1 “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí” về ứng dụng công nghệ chuyển đổi băng video, ghi âm thành văn bản lưu trên máy vi tính hoặc điện thoại.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Phóng viên, biên tập viên ứng dụng trí tuệ nhân tạo thành công cụ khai thác thông tin, ứng dụng công nghệ để chuyển các nội dung họp online thành văn bản mà không cần tham dự cuộc họp vẫn ghi chép đầy đủ, giúp phóng viên hiện trường tác nghiệp nhanh mà không cần gõ bài, không cần gửi email nhưng toà soạn vẫn có thể thấy nội dung và chỉnh sửa bài viết bằng văn bản.
Chuyên đề 2 “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý hậu kỳ sản phẩm phát thanh, truyền hình”, những người làm công tác quản lý chuyên môn và kỹ thuật dựng chương trình, người làm công tác hậu kỳ, sửa, duyệt tác phẩm, sản phẩm báo chí được hướng dẫn ứng dụng công nghệ bóc tách giọng nói từ video, wave, mp3 chuyển thành phụ đề tiếng Việt hoặc tạo giọng nói, đọc lời bình đa ngôn ngữ kết hợp.
Với mục tiêu “chất lượng, hiệu quả, thiết thực”, lớp tập huấn sẽ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên, phóng viên, nhà báo tại các chi hội, các cơ quan báo chí trong tỉnh.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác phóng viên, biên tập theo xu hướng sản xuất báo chí hiện đại, phục vụ quy trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, và nhiệm vụ tuyên truyền trên các cổng thông tin điện tử.
Sau khi hoàn thành lớp tập huấn các học viên sẽ được cấp Giấy chứng nhận của Hội nhà báo tỉnh.
Trương Anh Sáng