Trang nhất
0937.083.796
0937.083.796

“Lão đại chơi tượng cổ”: Ngườì lưu giữ hồn gốm Nam bộ xưa

(ceotoancau.vn) Danh xưng có vẻ hơi “kiêu” khi nhắc đến tên một nhà sưu tập trẻ như Đào Duy Thắng. Nhưng bạn sẽ “gật gù tâm đắc” nếu có cơ duyên “mục sở thị” bộ sưu tập tư nhân gần 300 tác phẩm gốm sứ cổ Nam bộ đang được bảo tồn tại tư gia của anh – một ngôi nhà ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM.

Hồn Sài Gòn xưa và câu chuyện cơ duyên

Bình gốm Cây Mai.

Gốm Cây Mai là sản phẩm do cộng đồng thợ gốm di dân người Hoa tạo tác tại xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa. Đó là những sản phẩm gốm được phủ men độc đáo, sâu thẩm sau vẻ đẹp chân phương thô mộc ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn trong tạo hình, hài hòa trong bố cục. Với hai màu chủ yếu là màu xanh lam, màu xanh ve chai; các màu bổ trợ là màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, nâu và trắng đã góp phần định hình thương hiệu gốm mỹ nghệ của Sài Gòn xưa.

Nhà sưu tập Đào Duy Thắng bên những sản phẩm gốm Cây Mai. 

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: “Sản phẩm gốm mỹ thuật của xóm Lò Gốm (gọi chung là gốm Cây Mai) có giai đoạn khởi phát với loại tượng gốm đất nung còn đậm dấu ấn của loại tượng nê tố và ít nhiều còn “hoài niệm” về tượng gỗ. Theo đó, việc hình thành làng nghề xóm Lò Gốm là một quá trình tiệm tiến hơn là sự chuyển giao ngành “công nghệ miếu vũ” có tính chất tốc hỷ, sản xuất các tượng thần, Phật và quần thể tiểu tượng men màu xinh đẹp. Ở đây, cũng cần lưu ý là loại tượng đất nung sơn màu Cây Mai đến nửa đầu thế kỷ 20, có một dòng phái sinh ở vùng Hóa An (Biên Hòa): tạo nên một tập thành tượng gốm đất nung sơn màu/ thếp vàng đặc sắc vừa có thừa kế truyền thống cây mai vừa có nhiều đổi thay về kỹ pháp dựng hình và trang trí.

Đào Duy Thăng bên sản phẩm gốm Cây Mai - những tác phẩm tuyệt tác thu hút sự thèm khát của giới sưu tầm đồ gốm cổ, song không phải ai cũng có duyên diện kiến.

Đào Duy Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông nội và bố đều là những người nghiên cứu và sưu tầm đồ cổ, chủ yếu gốm sứ Tàu. Từ năm 21 tuổi, Đào Duy Thắng bắt đầu dành thời gian nhiều hơn cho việc tìm tòi, nghiên cứu cổ vật. Đến lúc trưởng thành, anh vào Sài Gòn những năm đầu 1990, làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Những sản phẩm gốm cổ Nam bộ "độc - lạ" tại tư gia Đào Duy Thắng..

Ngoài công việc quản lý các đội bay, anh dành phần nhiều thời gian cho tình yêu gốm sứ cổ. Khởi đầu là việc sưu tập các vật dụng chủ yếu là đồ gốm Tàu, khi vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 1991, anh bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về dòng gốm sứ Nam Bộ. Trong một lần lân la ở chợ đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1) anh choáng ngợp trong không gian "vàng thau lẫn lộn" mà trong đó rất nhiều món đồ sành sứ rất đẹp. Càng đi sâu tìm hiểu, anh càng mê mẩn bởi vẻ đẹp chân phương, bố cục hài hòa, gần gũi với đời sống người dân đất phương Nam của gốm Cây Mai.

Cơ duyên đưa đẩy

Có gần 300 món đồ gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa tại tư gia nhà anh Thắng.

Tại tư gia của Đào Duy Thắng, chúng tôi đếm có gần 300 món đồ gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa, mà trong đó hầu hết là sản phẩm dùng thờ cúng như tranh, tượng thờ, linh vật, lư hương, bài vị… Một người chơi sưu tập sở hữu chừng đó món đồ gốm kể ra không có gì "ghê gớm", nhưng với người chơi “độc” gốm Cây Mai như anh thì cũng dễ khiến nhiều người đam mê mơ ước. Huống hồ là, gốm mỹ thuật Cây Mai luôn là mục tiêu săn lùng của giới đam mê cổ ngoạn – những người yêu thích vẻ đẹp gốm mỹ thuật tráng men Đề ngạn/Mai khư của Sài Gòn.

Bộ tiểu tượng gốm Cây Mai của Đào Duy Thắng vinh hạnh nhận được giấy khen từ một bảo tàng ở tỉnh An Giang

Năm 2007, lần đầu tiên qua giới thiệu của một người quen ở quận 5, anh xuống Cái Bè, Tiền Giang mua được hai bức tượng Mẫu (tượng Bà) gốm Cây Mai, chiều cao 60cm, giá 30 triệu đồng. Ngay đêm đầu tiên rước hai bức trượng về nhà, hai đứa con 7 tuổi và 10 tuổi của anh bỏ nhà sang hàng xóm ngủ vì không dám ở nhà.

Khi chia sẻ về "gia tài" gốm cổ của mình, anh Thắng khiêm tốn cho rằng: có là do "cơ duyên" không phải tài năng hay tiền bạc mang lại. 

Liên tiếp mấy đêm sau đó cũng vậy, anh sợ quá nên đem hai bức tượng tặng cho một bảo tàng ở TP.HCM. Sau đó, anh mới tìm hiểu sâu gốc gác của hai bức tượng mới biết được người bán cho anh trước đó họ mua lại từ một người chài lưới trên sông Tiền. Người ngư phủ vớt tượng đem về nhà hương khói nhiều năm mới sang tay cho người khác. Hóa ra chơi cổ vật có những cấm phạm của nó, không phải ai mới chơi cũng biết hết được. 

“Chất” ở chỗ “độc - lạ”

Sau bài học đầu đời có giá 30 triệu đồng, đến giờ anh có trong tay bộ sưu tập khoảng 300 món, toàn gốm Cây Mai, trong đó có nhiều món rất độc đáo. Chẳng hạn như bức tượng Thúy Hoa Lầu và bức tượng Long Lân Qui Phụng, anh "theo" hai món này hơn 10 năm mới mua được với giá gần 1 tỷ đồng. Hay như bộ tranh Phù Dung Chỉ đi kèm 2 bình gốm, anh nài nỉ phải mất mấy năm, thầy giáo Thanh Long ở Bình Dương mới chịu nhượng lại, vì thuộc hàng "độc nhất vô nhị".

Nhưng có lẽ "đỉnh" nhất trong bộ sưu tập của anh đó là bộ tranh bằng sành gồm 3 tấm ghép lại, cũng thuộc dòng gốm Cây Mai. Cách đây mấy năm anh mua được hai tấm lưu lạc tận ngoài Nam Định và một tấm mua ở Sài Gòn. Nguồn gốc bộ tranh theo người bán nói lại là của ngôi đình ở Nam Bộ bị sập, giới thợ xây sửa đình không biết giá trị của chúng nên bán ve chai, từ đó bị lưu lạc. 

Bức tượng 3 tấm ghép bằng gốm Cây Mai anh Thắng kỳ công sưu tầm từ Nam Định và Sài Gòn sau nhiều năm lưu lạc mới “châu về hợp phố”.

Anh Thắng may mắn mua được bộ gốm Quần thể biểu tượng các nhân vật tạo hình độc đáo sinh động như cảnh nữ công đẩy xe, mã phu dắt ngựa, từng đoàn lính cầm cờ biểu trưng của 6 nước được khắc họa theo tích “lục quốc đại phong tướng y cẫm vinh quy” theo tích “Hồi 95 của truyện Đông Chu Liệt Quốc” (trong đó Tô Tần - học trò của Quỹ Cốc Tử đã sử dụng tài học nhẫn nại thuyết phục 6 nước chư hầu cùng chống lại nhà Tần) hay như tác phẩm Ông tơ bà nguyệt được mua của một chùa hoa cổ trên đường Trần Văn Kiều quận 5 (chùa bị giải tỏa để làm đường).

Người thưởng lãm dễ bị hút hồn bởi vẻ đẹp sang trọng từ các tác phẩm gốm Nam bộ cổ độc đáo của nhà sưu tập Đào Duy Thắng.

Không chỉ vậy, chiêm ngưỡng bộ sưu tập của Đào Duy Thắng, người thưởng lãm dễ bị hút hồn với bộ rồng các thời kỳ qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân ở các làng gốm như Thành Lễ, Lái Thiêu, Cây Mai, Biên Hòa, Quảng Hòa Sương… Trong đó, Thắng tâm đắc nhất là cặp rồng thời Lý từ gốm Lái Thiêu của lò Quảng Hòa Sương. Ngoài vị trí uy nghiêm toát ra từ thần thái của đôi rồng, còn thấy sự điêu luyện của các nghệ nhân qua từng nét vẽ. “Có lần về Đồng Nai, vừa đến gần cầu Hóa An thì tình cờ gặp vợ chồng người lái buôn chở một trụ rồng gốm Cây Mai đi ngược chiều với mình. Thế là mình quay đầu xe lại hỏi và mua được. Trụ rồng vớt từ dưới sông lên hiện đang trưng bày tại bảo tàng Văn hóa Hà Nội”, anh Thắng kể.

Cặp trụ rồng gốm Cây Mai Đề Ngạn anh Thắng có được do cơ duyên.

Ngoài ra là câu chuyện hành trình 10 năm để sở hữu 50 con rồng gát đũa với mô típ rồng thời Lý bằng gốm trên bàn ăn của quý tộc xưa. Trong đó có 6 con được mang về từ nhà sưu tập Bùi Xuân Tấn tại Pháp đầy thú vị và bất ngờ. Từ bộ sưu tập này, tại Hội ngộ trưng bày gốm Nam bộ lần thứ 1 tổ chức tại Hà Nội. Đào Duy Thắng đã mang về cho mình giải Nhất đầy tự hào.

Hội ngộ đam mê

Các thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Cổ vật thị xã Thuận An do anh Nguyễn Hữu Phúc (Chủ nhiệm CLB, người đứng giữa áo carô sọc) và anh Đào Duy Thắng (Phó Chủ nhiệm CLB, đội nón) sáng lập.

Điều Thắng tâm đắc là đã chung tay cùng anh Nguyễn Hữu Phúc (danh xưng Phúc Lái Thiêu, Bình Dương) và nhiều anh em cùng đam mê trên cả nước thành lập Câu lạc bộ Cổ vật thị xã Thuận An vào năm 2012. Từ 10 người ban đầu, đến nay đã thu hút 40 người có đến từ TP.HCM, Đồng Nai đến sinh hoạt như anh Đoàn Trung Kiên, anh Phú… đặc biệt nhà nghiên cứu Lý Lực Tam (86 tuổi) cũng góp mặt tham gia hỗ trợ các thành viên nhận biết giá trị cổ vật đến dịch chữ Hán… Câu lạc bộ đã tham gia nhiều cuộc trưng bày cổ vật với từ 200 – 300 hiện vật của mỗi hội viên mang đến trưng bày cho người dân có dịp thưởng lãm.

Ông Nguyễn Hữu Phúc (Phúc Lái Thiêu, Bình Dương) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cổ vật thị xã Thuận An là người giàu kinh nghiệm về gốm sứ cổ Nam bộ.

Không sở hữu khối gia tài “đồ sộ” như các đàn anh trong nghề, song bộ sưu tập cổ vật của Đào Duy Thắng luôn có sức hút mạnh mẽ và là niềm mơ ước của nhiều người bởi sự “độc”, lạ trong từng sản phẩm. Đối với người trẻ như Đào Duy Thắng, niềm đam mê này không chỉ là nghề kiếm sống mà là việc làm ý nghĩa để lưu giữ nét đẹp văn hóa ngàn xưa của dân tộc.

“Vui nhất là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt”, anh Thắng giản dị kết thúc câu chuyện của mình về tình yêu gốm sứ cổ Việt.

Khiết Linh

THÔNG TIN TIÊU DÙNG CẦN BIẾT

Vận hành khai thác truyền thông: Công ty TNHH Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Tâm Đức
VP miền Bắc: 26 Ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, p Quan Hoa, Q Cầu Giấy, TP. Hà Nội
VP Miền Nam: 67/30 Đường 100 Bình Thới, P14, Q11, TP.HCM (TP.HCM)
Email: thukytoasoanhcm@gmail.com
Điện thoại: 0982 194 726
Chịu trách nhiệm nội dung: Đức Vượng
Truyền thông: Ngô Chức
Đối ngoại: Đoàn Như Diễm
Email: truyenthongso123@gmail.com
Hotline: 0937 083 796
Yêu cầu trích bài dẫn nguồn ghi rõ từ ngoisaokinhdoanh.vn
Copyright ©2019 ngoisaokinhdoanh.vn. Một sản phẩm của Cổng Việt Limited. Biên bản 1.2.
qc-chanweb
addRight