M-TALKS là sự kiện mở đầu chuỗi hội thảo chuyên ngành của triển lãm NEPCON Vietnam 2025 – diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, với chủ đề “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam”, quy tụ hơn 250 khách mời và diễn giả từ RX Tradex, IPC, VEIA, VNPT Technology, Đại học Bách khoa Hà Nội, NIC… thảo luận về năng lực cạnh tranh, AI, bán dẫn và chuyển đổi công nghệ cho doanh nghiệp điện tử Việt.
Ngày 2/7 tại Hà Nội, RX Tradex Việt Nam đã chính thức khai mạc Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 với sự tham dự của hơn 250 đại biểu, gồm lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ, đại diện cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ, nhằm trao đổi về các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch toàn cầu.
Ông Trần Hồng Quân – Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam cho biết, trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, Việt Nam đang từng bước chuyển mình từ “công xưởng sản xuất” trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ cao của khu vực. Với kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD năm 2024 và xu hướng tăng trưởng mạnh trong 2025, cùng sự hiện diện ngày càng lớn của các trung tâm R&D như Qualcomm, NVIDIA và chiến lược phát triển bán dẫn đến 2030, Việt Nam đang trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Với chủ đề lần này, M-TALKS nhấn mạnh ba vấn đề cốt lõi đang định hình tương lai ngành điện tử Việt Nam: Việt Nam nổi lên như điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu; chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển bán dẫn và R&D; và AI – tự động hóa đang làm thay đổi bản chất sản xuất, đòi hỏi chuẩn hóa công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận chuyên sâu
Theo ông Quân, việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi quyết đoán giúp thúc đẩy nội lực – từ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nội địa hóa cho đến chủ động trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi.
Tuy nhiên, đằng sau các con số ấn tượng là những thách thức thực tế: 100% giá trị xuất khẩu điện thoại đến từ FDI nhưng 80% linh kiện vẫn phải nhập khẩu; hơn 90% nhà cung ứng cấp 1 là doanh nghiệp nước ngoài; khả năng R&D trong nước còn hạn chế, và Việt Nam chủ yếu vẫn đóng vai trò lắp ráp. Những thách thức đó cũng cho thấy: đây là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình – từ một trung tâm lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu cũng tham dự phiên thảo luận mở tập trung vào những câu hỏi thiết thực: Làm sao để doanh nghiệp Việt vượt qua rào cản khi ứng dụng AI? Chính phủ cần làm gì để thu hút FDI chất lượng cao? Các trường đại học cần đổi mới ra sao để bắt kịp nhu cầu nhân lực công nghệ? Chính sách nào để thúc đẩy ngành điện tử Việt Nam phát triển vững vàng trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch nhanh chóng.
Ban tổ chức cũng cho biết, từ ngày 10 đến 12/9/2025, NEPCON Vietnam 2025, triển lãm quốc tế Lần thứ 18 về Thiết bị, Công nghệ kiểm tra, Hàn bề mặt SMT và Công nghiệp hỗ trợ ngành Điện tử – sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hanoi, 91 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm nay, triển lãm tập trung vào các nhóm sản phẩm công nghệ và sản xuất trọng điểm của ngành điện tử như: Công nghệ hàn bề mặt, mạch tích hợp và cảm biến, bán dẫn, lắp ráp mạch in, sản xuất bảng mạch điện tử và kiểm tra quang học tự động.
Với danh mục ngành hàng đa dạng và cập nhật NEPCON Vietnam 2025 mang đến cơ hội cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tiếp cận những xu hướng công nghệ đang định hình lại ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng được tích hợp sâu vào dây chuyền sản xuất.
Hà Hằng