Ông Việt đang giới thiệu văn hoá lúa mùa cho du khách Bỉ. Ảnh Hội ND Kiên Giang
Sinh ra trong một gia đình có tám anh chị em ở TT. Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, năm 1982, ông Việt tốt nghiệp THPT vào học Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Trồng trọt. Ra trường năm 1986, ông về công tác trong ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành, sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành. Tháng 5/2023, ông nghỉ hưu để chuyên tâm làm lúa mùa.
Ông Việt tâm sự, những năm 1990 ngành Nông nghiệp chuyển sang trồng lúa cao sản, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ với những giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, vì thế, theo thời gian các giống lúa mùa gần như mất dần. Những hình ảnh về quy trình trồng lúa mùa của người nông dân luôn thường trực trong sâu thẳm ký ức của ông, từ các khâu chuẩn bị, bừa đất, gieo mạ, cày, phát, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt đập, chuyển lúa về…
Năm 2011, ông Việt bắt đầu tìm tòi, phục dựng làm sống lại lúa mùa trên chính vùng đất quê hương mình. Để có các giống lúa mùa, ông Việt đã đến các các Viện, trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long và các nơi khác còn lưu trữ nguồn gen lúa mùa xin các giống lúa mùa cổ truyền như: Ba Bụi, Chim Rơi, Trắng Tép Vàng… tất cả được 5 giống, mỗi giống gồm 200 hạt, có giống chỉ vài chục hạt.
Từ số hạt giống ít ỏi này, ông Việt nhân giống lên từ từ nên mất khá nhiều thời gian. Trong quá trình nhân giống, không phải giống nào xin về trồng cũng đạt. Có giống trồng lại nhiều vụ vẫn không cho thu hoạch gì, có giống bị chim, chuột ăn hết, có giống như: Chim Rơi, Ba Bụi thì còn, giống không đạt ông gửi lại nguồn gen cho các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long trữ đông lưu giữ để không bị mất giống. Năm 2017, ông thành lập trang trại lúa mùa Tư Việt để thuận lợi cho việc canh tác lúa mùa. Sau đó, tháng 7/2020 ông thành lập Tổ hợp tác Trồng lúa mùa với 39 hộ tham gia.
Trang trại lúa mùa Tư Việt với 2,5ha đất ruộng của gia đình, ông trồng tất cả các loại lúa mùa bản địa của miền Tây gần như đã thất truyền với mục đích là tạo ra nông sản sạch và lưu giữ lúa mùa cho thế hệ hôm nay biết về ngày xưa. Nhằm bảo vệ lúa mùa, ông Việt bao lưới xung quanh ruộng lúa mùa và mướn thêm 2ha ruộng lúa của những hộ xung quanh với giá gần 30 triệu đồng/năm làm hành lang bảo vệ lúa mùa, tránh bị chim, chuột phá hoại.
Lúa mùa được ông Việt áp dụng quy trình sản xuất truyền thống theo cách làm của ông bà xưa, thuận theo tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, không đưa máy móc vào khâu làm đất, thay vào đó là dùng sức kéo của trâu để giữ vi sinh vật có lợi trong đất. Để cây lúa sinh trưởng tự nhiên trong điều kiện không dùng phân bón, hóa chất, ông vớt bèo hoa dâu về nhân giống rồi thả xuống ruộng cho tự sinh sôi nảy nở. Khi già, bèo hoa dâu sẽ tự chết đi, chìm xuống, phân hủy thành phân hữu cơ, tạo dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, cho vịt và chim săn bắt sâu bọ.
Mọi công đoạn của canh tác lúa mùa đều làm thủ công, không máy móc, như: Dọn cỏ, tát nước, cấy mạ, gặt lúa... Tuy nhiên, mặt trái của cách làm lúa thuận theo tự nhiên là năng suất thấp. Với lúa mùa không phân thuốc, nhiều vụ ông Việt chỉ thu hoạch được khoảng 30 - 50%, năng suất từ 2 - 2,5 tấn/ha, xuất ra thị trường khoảng 20 - 30 tấn/năm. Tuy giá trị năng suất không được nhiều, nhưng bản thân ông Việt vẫn luôn hài lòng vì hạt gạo lúa mùa hữu cơ rất bổ dưỡng, ngon lành lại thân thiện môi trường.
Được biết, ở mỗi giai đoạn đầu của trồng lúa, ông Việt thường lỗ vì làm ra mấy chục tấn lúa mùa mà bán không được. Nguyên nhân một phần là do không hợp khẩu vị của người dùng, phần nữa là giá lúa, giá gạo khá cao, giá lúa 11.000 đồng/kg, giá gạo 25.000 đồng/kg. Sau “cú ngã” đó, ông Việt chuyển qua trồng các giống lúa mùa chất lượng cao phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Sinh viên Trường Đại học An Giang tham quan trang trại lúa mùa Tư Việt. Ảnh Hội ND Kiên Giang.
Bảo tồn được 40 giống lúa mùa quý hiếm
Sau nhiều năm bươn trải vất vả, đến nay ông Việt đã phục tráng, bảo tồn được 40 giống lúa mùa quý hiếm, trong đó có nhiều giống gần như thất truyền ở địa phương như: Thần Nông 5 (IR5), Thần Nông 8 (IR8), Tào Hương, Châu Hồng Vỏ, Sa Quay, Một Bụi, Móng Chim Rơi và Nàng Thơm cồn Vĩnh Quới (nguồn gốc Nàng Thơm chợ Đào)… Bên cạnh đó, có 2 sản phẩm gạo lúa mùa là Móng Chim vàng và Móng Chim rơi được tỉnh Kiên Giang chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021.
Anh Lý Đức Hoà, ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hoà Phú chia sẻ: Gia đình tôi có 1,2ha đất trồng lúa và tham gia Hợp tác xã Nông dân sáng tạo do ông Lê Quốc Việt làm Giám đốc. Vụ lúa mùa năm 2023, gia đình thu được trên 1 tấn lúa, ông Việt thu mua với giá gần 15.000 đồng/kg. Tham gia Hợp tác xã, gia đình tôi rất phấn khởi bởi nhờ có anh Việt mà văn hóa lúa mùa tưởng bị lãng quên nay đã dần hồi sinh, đời sống của người dân tham gia Hợp tác xã dần thay đổi.
Ông Cao Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, (tỉnh Kiên Giang) cho biết, ông Việt khi còn công tác tại đây là một cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông được xem là người phục tráng, bảo tồn nhiều giống lúa mùa nhất ở Kiên Giang góp phần rất lớn trong việc bảo tồn văn hoá lúa mùa ở huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
Được biết, hiện nay ông Việt đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) triển khai dự án trồng trẻ hóa 800 giống lúa mùa. Ông Việt cũng đã đem sản phẩm gạo lúa mùa của mình tham gia giới thiệu tại Hội chợ khuyến mại năm 2021, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ và Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V - Vĩnh Long 2021 để giới thiệu về sản phẩm gạo lúa mùa hữu cơ cho người dân TP. HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long biết để mua dùng nhằm đảm bảo sức khoẻ và quảng bá giá trị văn hóa lúa mùa.
Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chia sẻ, không chỉ bảo tồn giống lúa mùa, ông Việt còn nỗ lực phục dựng, tái hiện lại nền văn hóa lúa mùa từ chuyện gieo mạ, nhổ mạ, cấy mạ, gặt lúa rồi đập lúa trên đồng... Với mong muốn trang trại lúa mùa Tư Việt thành điểm đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, đón tiếp các học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu về văn hóa lúa mùa.