Dư luận Quảng Nam, Đà Nẵng đang đặt mối quan tâm đến hoạt động khai thác cát xây dựng, do thời gian qua, giá cát tăng cao ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xây dựng công trình.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng… giá cát xây dựng ngày một leo thang do nhiều mỏ cát hết hạn, từ đó cung không đủ cầu. Thực tế nhiều thời điểm tháng 6/2025 vừa qua, mỗi m3 cát hơn 800.000 đồng. Mặc dù giá cát cao nhưng nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng đến việc xây dựng, thi công các công trình.
Hoạt động khai thác cát ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thời gian trước
Cũng chính vì vậy, thông tin đấu giá các mỏ cát xây dựng ở tỉnh Quảng Nam nhận được sự chú ý của dư luận.
Theo UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, huyện vừa tổ chức thành công phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phiên đấu giá do Công ty Đấu giá Hợp danh Hòa Thuận thực hiện ngày 19/6, với tổng cộng 6 điểm mỏ được đưa ra, gồm cát, sỏi và khoáng sản khác. Nhưng tâm điểm chú ý dồn về 3 mỏ cát. Một phần là giá cát hiện tại leo thang không ngừng, phần nữa giá trúng 3 mỏ này đã tăng vọt, gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với giá khởi điểm.
Cụ thể, mỏ cát ĐL2 tại thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) có trữ lượng dự kiến 790.000 m3, giá khởi điểm hơn 7,59 tỷ đồng. Kết quả, Công ty TNHH Hoàng Châu Sa (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trúng đấu giá với mức hơn 491,7 tỷ đồng, tương ứng khoảng 622.000 đồng cho mỗi mét khối cát. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm gấp khoảng 65 lần.
Mỏ ĐL11 tại thôn Hà Nha – Vĩnh Phước (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) có trữ lượng 360.000 m3, gá khởi điểm hơn 3,46 tỷ đồng, được Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Công nghiệp 6666 (tỉnh Bắc Giang) giành quyền khai thác với gần 320 tỷ đồng, tương ứng khoảng 889.000 đồng/m3. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm gấp hơn 94 lần.
Mỏ ĐL12B1 tại hai thôn Trường An và Phú Hương (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc), trữ lượng 166.000 m3, khởi điểm hơn 1,23 tỷ đồng, được Công ty CP Trường Lợi (huyện Đại Lộc) đấu giá thành công với giá 129,6 tỷ đồng, tức khoảng 779.000 đồng/m3. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm khoảng tầm 107 lần.
Theo chính quyền địa phương, giá trúng trên là giá tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đơn vị trúng đấu giá còn phải đóng các khoản tài chính như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí ký quỹ phục hồi môi trường…
Việc đấu giá công khai minh bạch các mỏ khoáng sản là một trong những biện pháp mà chính quyền sở tại triển khai đúng theo quy định pháp nhằm kiểm soát, ổn định giá cát thị trường. Trường hợp các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát bỏ cọc, chính quyền địa phương sẽ xử lý theo quy định.
Q.Thân