Sau khi sáp nhập tỉnh, sản phẩm OCOP không còn chỉ xoay quanh không gian nhỏ lẻ, mà phải bước vào sân chơi lớn hơn – nơi đòi hỏi sự chuyên nghiệp, bản sắc rõ nét và năng lực cạnh tranh bền vững để thích ứng và phát triển lâu dài.
Không gian rộng mở, rào cản nhiều hơn
![]() |
Sản phẩm OCOP tại Lâm Đồng mới đa dạng chủng loại nhưng đối mặt áp lực cạnh tranh lớn sau sáp nhập tỉnh. |
Kể từ ngày 1/7/2025, bản đồ hành chính cấp tỉnh của Việt Nam chính thức thay đổi, giảm từ 63 xuống còn 34 đơn vị. Đây không chỉ là sự điều chỉnh địa giới mà còn là cuộc tái cấu trúc toàn diện trong cách tổ chức chính sách và định hướng phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khi không gian hành chính mở rộng, sản phẩm OCOP cũng bước vào một sân chơi mới – rộng về địa lý, sâu về thị trường và khốc liệt hơn về cạnh tranh.
Tại Lâm Đồng mới (được sáp nhập bởi Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận), hiện có hơn 600 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt 5 sao và gần 90 sản phẩm đạt 4 sao. Địa phương này trở thành một trong những "vùng trũng" OCOP với mật độ và độ đa dạng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, nhiều chủ thể sản xuất nhỏ lẻ – vốn quen hoạt động trong không gian cấp huyện hoặc tỉnh cũ – nay buộc phải đối mặt với những mô hình chuyên nghiệp, quy mô lớn hơn từ các địa phương sáp nhập.
HTX Dịch vụ Tổng hợp Sen Núi (thuộc Bình Thuận cũ) chia sẻ: “Khi ba tỉnh hợp nhất, sản phẩm OCOP có thêm cơ hội mở rộng thị trường, trở thành sân chơi lớn để mỗi chủ thể phát huy tiềm năng. Điều này buộc các HTX phải chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản lý, chuyển đổi số và tìm kiếm thị trường để đảm bảo đầu ra.”
Tương tự, tại Đồng Nai mới (gồm Đồng Nai và Bình Phước), các sản phẩm OCOP vốn đã được đầu tư kỹ lưỡng về bao bì, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường. Những sản phẩm 5 sao như hạt điều rang muối, tinh dầu tiêu, bưởi da xanh… đã quen thuộc với các tiêu chuẩn xuất khẩu và hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, không ít chủ thể từ địa bàn mới sáp nhập vẫn dừng ở quy mô hộ gia đình, chủ yếu tiêu thụ tại chợ truyền thống, chưa tiếp cận được thương mại điện tử hay mã số vùng trồng – những tiêu chí ngày càng trở nên bắt buộc trong hệ sinh thái OCOP mới.
Ông Đặng Tường Khanh – Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức – cho biết: “Ngay từ đầu, công ty xác định không thể phát triển nếu không có chuỗi liên kết. Việc sở hữu vùng nguyên liệu lớn giúp chủ động sản lượng và cung cấp ca cao cho các nhà máy trong nước.” Đây cũng là mô hình mà nhiều chủ thể OCOP quy mô nhỏ cần hướng tới nếu muốn trụ vững trong không gian cạnh tranh mới.
Rào cản lớn nhất hiện nay chính là sự chênh lệch về trình độ sản xuất, năng lực quản trị và kinh nghiệm thị trường. Một sản phẩm từng là “sao sáng” ở cấp huyện cũ có thể nhanh chóng bị lu mờ nếu không kịp thích ứng với tiêu chuẩn mới – không chỉ về chất lượng, mà còn ở khả năng định vị thương hiệu và tiếp cận thị trường.
Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ OCOP sau sáp nhập cũng đang trong giai đoạn quá độ. Cơ chế đánh giá, xếp hạng sao, hội đồng tư vấn, kinh phí hỗ trợ… đều cần được hợp nhất và đồng bộ hóa. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và điều phối hiệu quả, nguy cơ chồng chéo, thiếu thống nhất hoặc bỏ sót các nhóm sản phẩm yếu thế là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tạo năng lực thích ứng trong cuộc chơi mới
![]() |
Chủ thể OCOP đầu tư chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm trong bối cảnh mới. |
Để không bị tụt lại phía sau, các chủ thể OCOP cần được hỗ trợ nâng cao năng lực thích ứng. Nếu trước đây, một sản phẩm có thể nổi bật trong phạm vi xã, huyện, thì nay cần tái định vị trên bản đồ cạnh tranh rộng lớn hơn – nơi yêu cầu cao về chất lượng, thương hiệu, công nghệ và chuỗi giá trị.
Trước hết, hệ thống quản lý chương trình OCOP tại các tỉnh mới cần được cơ cấu lại từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Vai trò điều phối không chỉ dừng ở kỹ thuật mà cần bao quát chiến lược phát triển: từ quy hoạch vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại đến hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Tại Lâm Đồng mới, việc hình thành các “vùng OCOP trọng điểm” dựa trên lợi thế đặc thù của từng tỉnh cũ sẽ giúp phân loại sản phẩm, tập trung nguồn lực và tạo động lực phát triển cho nhóm sản phẩm chủ lực.
Song song đó, kết nối tiêu thụ cần được thúc đẩy theo hướng liên vùng và liên kênh. Sản phẩm OCOP không còn chỉ phục vụ trong tỉnh mà phải cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử, chuỗi siêu thị hiện đại và hướng tới xuất khẩu. Các yếu tố như truy xuất nguồn gốc, bao bì thông minh, truyền thông số… vốn được coi là “phụ trợ” nay trở thành điều kiện tiên quyết.
Anh Nguyễn Văn Khôn – Giám đốc Công ty Dược liệu Tâm Tâm An – cho biết: “Đơn vị đã trồng hơn 500.000 cây xáo tam phân, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu. Mỗi ha sau 5 năm có thể tạo lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. Chúng tôi đầu tư chế biến sâu và truy xuất nguồn gốc.” Đây là ví dụ điển hình về mô hình sản xuất tích hợp – hướng đi mà các chủ thể OCOP cần học hỏi để nâng tầm giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các “sân chơi nội vùng” như hội chợ OCOP cấp vùng, triển lãm nông sản bản địa, hội thi sáng tạo bao bì hay liên minh tiêu dùng xanh… là điểm chạm quan trọng để các chủ thể tự định vị lại trong hệ sinh thái mới. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh mới xác định nhóm ngành hàng tiềm năng nhằm xây dựng thương hiệu OCOP vùng phù hợp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – ông Đinh Văn Tuấn – khẳng định: “Không gian triển lãm hôm nay không chỉ là nơi hội tụ những sản phẩm OCOP đặc sắc, mà còn giới thiệu không gian văn hóa tiêu biểu.”
Không thể thiếu vai trò điều phối chính sách từ trung ương. Khi không gian hành chính thay đổi, chính sách về OCOP cũng cần được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp đặc điểm từng vùng. Các cơ chế ưu đãi tín dụng, khuyến nông, xúc tiến thương mại… cần được triển khai đồng bộ, đi trước một bước, thay vì để địa phương tự xoay sở trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trên hết, sáp nhập tỉnh còn là cơ hội để tái cấu trúc chiến lược phát triển thương hiệu OCOP ở tầm quốc gia. Những tỉnh mới có thể xây dựng thương hiệu vùng liên kết – như “OCOP Tây Nguyên mở rộng” hay “OCOP Đông Nam Bộ” – nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, trái cây nhiệt đới… góp phần nâng cao vị thế sản phẩm OCOP Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Anh Nguyễn Văn Khôn đánh giá: “Sau sáp nhập, vùng đất mới sở hữu lợi thế lớn về quy mô diện tích và sự phong phú về nông sản. Đây chính là thời điểm thuận lợi để xây dựng các chuỗi giá trị OCOP khép kín, từ sản xuất – chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu.”
Chương trình OCOP, vốn khởi nguồn từ cấp làng – xã, nay đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi thương hiệu sản phẩm địa phương được định vị như một cấu phần chiến lược trong nền kinh tế bền vững và hội nhập toàn diện của quốc gia.
Bình An
https://thuonghieusanpham.vn/sap-nhap-tinh-mo-loi-moi-cho-san-pham-ocop-80892.html