Sáng 16/6, tại Tp. Huế, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VIII năm 2025 với chủ đề “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc ”. Sự kiện có sự tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế; ông Hồ Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận thành ủy Huế và 66 học viên là hội viên của 44 Hội văn học nghệ thuật cả nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư. TS Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Liên hiêp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nêu rõ, từ năm 2014 đến nay, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức được 7 khóa trại viết lý luận phê bình văn học nghệ thuật, đây là một chủ trương xác đáng, được lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kiên trì, bền bỉ thực hiện với tư duy đổi mới.
PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu
Các trại viết nhằm cung cấp cho các trại viên nắm được tính đặc thù và sự đa dạng, phong phú của các loại hình văn học nghệ thuật; về lao động nghệ thuật; các giá trị của văn học nghệ thuật, nghiệp vụ tay nghề; tránh được những cái lỗi “vụng về” về nghề nghiệp nhằm sáng tạo có nhiều tác phẩm có giá trị có giá trị cao.
Trại viết lý luận phê bình văn học nghệ thuật tại Huế lần này không chỉ là nơi “rèn tay nghề” mà còn là dịp để khơi nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư duy sáng tạo, làm giàu thêm vốn sống và vốn văn hóa cho mỗi học viên. Những bài giảng chuyên sâu của các giảng viên: Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh; Nhà văn Bùi Việt Thắng; PGS.TS, Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú; PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái; Họa sĩ, NSND Vương Duy Biên,… sẽ cung cấp cho các học viên những kiến thức bổ ích về chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thêm sinh khí mới cho những cây bút đang nỗ lực làm dày thêm mảng lý luận phê bình vốn còn đang rất thiếu và yếu hiện nay.
Quang cảnh trại viết Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật
Đồng thời phát huy, hoàn thiện tư duy về lý luận phê bình văn học nghệ thuật, kỹ năng nghề nghiệp (nói và viết) để năng lượng chữ không bị nghẽn tắc để bút lực luôn sung mãn thăng hoa khẳng định vị trí của mình trong đội ngũ văn nghệ sĩ tài danh của đất nước và xây dựng đội ngũ làm phê bình có trình độ, bản lĩnh, giàu tâm huyết.
Qua các bài giảng, các học viên nhận ra rằng, văn học nghệ thuật không thể phát triển lành mạnh và bền vững nếu thiếu sự đồng hành của công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Nếu người nghệ sĩ là người “gieo hạt giống” thì người làm phê bình là người “gìn giữ vườn ươm”, tưới tắm bằng tri thức, soi sáng bằng lý tính, để những sáng tạo nghệ thuật không bị rơi vào tình trạng “cảm tính thuần túy”, thậm chí là lệch chuẩn về thẩm mỹ hoặc xa rời hiện thực.
Từ đó, các học viên sẽ có động lực và trách nhiệm với nghề để mỗi bài viết phê bình văn học nghệ thuật sau này không chỉ đúng và hay mà còn mang sứ mệnh định hướng thẩm mỹ, phát hiện và lan tỏa cái đẹp trong đời sống xã hội góp phần đưa nền VHNT nước nhà thêm vững vàng trên hành trình đồng hành cùng dân tộc.
Trại viết Lý luận phê bình VHNT 2025 tại Huế bế giảng ngày 20/6.
Trương Anh Sáng