Vai trò quan trọng của tài chính cá nhân
Giống như các doanh nghiệp, mỗi cá nhân, gia đình là một chủ thể kinh tế, có thu nhập, chi tiêu, đầu tư, có các mục tiêu trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, cũng phải đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống. Trong khi các doanh nghiệp luôn có hệ thống sổ sách kế toán ghi chép, thống kê và các công cụ quản lý về mặt tài chính doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả hoạt động thì ít có cá nhân, gia đình có điều kiện, kinh nghiệm hoặc ít nhất là hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân để kiểm soát tình hình tài chính của bản thân, gia đình.
Ở các nước phát triển, kinh tế gia đình và kinh tế tiêu dùng đã được giảng dạy ở các trường khác nhau như là một phần của nền kinh tế gia đình. Các nghiên cứu sớm nhất về tài chính cá nhân được phát hiện vào năm 1920 bởi Hazel Kyrk và được phổ biến từ nhiều năm trước. Tài chính cá nhân đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với tổng thể nền kinh tế xã hội. Việc nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính cũng như sự bền vững của xã hội nói chung.
Đối với các cá nhân hoặc hộ gia đình, việc quản lý tài chính cá nhân hay lập kế hoạch tài chính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong suốt hành trình cuộc sống. Với sự quan tâm tới tình hình tài chính cá nhân, có kế hoạch cụ thể cho tương lai, các cá nhân sẽ tránh được những sai lầm trước các quyết định tài chính, xa hơn họ sẽ có được các con đường ngắn nhất để đạt được các kế hoạch về tài chính trong tương lai. Việc quản lý tài chính cá nhân giúp chúng ta vượt qua được những giai đoạn khó khăn, tránh được những tình huống bấp bênh không đáng có trong cuộc sống. Quản lý tài chính cá nhân còn giúp chúng ta có thể tăng lượng tài sản một các hiệu quả, ngăn ngừa sự suy giảm của tài sản trong trường hợp xấu và ổn định tiêu dùng cá nhân.
Một điều quan trọng khác mà quản lý tài chính cá nhân đem lại là giúp chúng ta có một cuộc sống an toàn về tài chính, mức sống được nâng cao, thoải mái hơn sau khi nghỉ hưu, tránh bị phụ thuộc vào người khác, thậm chí trong trường hợp thuận lợi, chúng ta có thể có một lượng di sản để lại cho đời sau.
Khi quản lý tài chính cá nhân được quan tâm hơn, các các nhân đều có các kế hoạch quản lý tài chính phù hợp, khi đó từ việc chi tiêu, tiết kiệm cho đến đầu tư và kế hoạch hưu trí của người dân trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Khi đó thị trường tài chính sẽ được hưởng lợi, các nguồn lực tài chính được sử dụng một cách thông minh, đồng tiền được sử dụng một cách phù hợp, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển hiệu quả hơn.
Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, đây sẽ là động lực phát triển các ngành dịch vụ về tài chính phát triển như ngành tiêu dùng, bảo hiểm, đầu tư cá nhân dẫn đến sự phát triển của thị trường tài chính cũng như tổng thể nền kinh tế. Cuộc sống gia đình và người thân của mỗi cá nhân ổn định sẽ không gây áp lực lên các chính sách an sinh xã hội của nhà nước, xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn.
Thực trạng quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam
Một cuộc khảo sát nhỏ trên địa bàn Hà Nội về sự quan tâm của các cá nhân tới các lĩnh vực chính của tài chính cá nhân như quản lý chi tiêu, lập kế hoạch tài chính, kế hoạch bảo hiểm, đầu tư, hưu trí và di sản cho thấy sự quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt Nam chưa nhiều, trên 80% số người được khảo sát không biết tài chính cá nhân là gì và họ cũng không quan tâm nhiều tới các kế hoạch trong tương lai.
Một bộ phận nhỏ hiểu biết về tầm quan trọng của tài chính cá nhân là những người đã từng học, sống và làm việc tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc hoặc những người làm trong ngành Tài chính tại các tổ chức tài chính nước ngoài. Những người quan tâm tới tài chính cá nhân đều thừa nhận họ mới chỉ quan tâm tới việc quản lý tài chính cá nhân trong một vài năm gần đây. Trên 90% số người được khảo sát không nắm rõ được các khoản chi tiêu của mình trong tháng vừa qua và họ cũng không có các khoản tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro trong các tình huống khẩn cấp.
Như vậy, về cơ bản, người dân Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều tới việc quản lý tài chính cá nhân, họ có những khoản tiết kiệm, cũng như các khoản đầu tư khác, tuy nhiên cũng chưa có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm cụ thể và chưa xác định được mức độ rủi ro phù hợp của mình trong đầu tư.
Ông Lê Long Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)
Tại hội thảo quốc tế “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam”, ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tài chính của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết rằng Mỹ đã có các chương trình phổ cập tài chính cho mỗi đối tượng khác nhau. Hay Philippines nhắc nhở người dân thường xuyên về tiết kiệm. Tuy nhiên, giáo dục tài chính chưa được đưa vào chương trình giáo dục chính quy ở Việt Nam. Mức độ phổ cập tài chính ở Việt Nam là rất thấp. Cũng tại hội thảo, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, cho biết khoảng 24% người trưởng thành ở Việt Nam hiểu biết về tài chính. Việt Nam có rất ít khóa học về tài chính cá nhân. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và trường học thiếu sự hợp tác hiệu quả.
Các văn bản pháp quy liên quan tới các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân chưa đầy đủ. Việc phát triển dịch vụ tài chính cá nhân sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan giữa các bên và cần có các quy định cụ thể để điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của khách hàng.
Vì mức độ phổ cập tài chính cá nhân còn hạn chế nên các dịch vụ liên quan đến tài chính cá nhân chưa đa dạng, các điều kiện để cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân, đội ngũ tư vấn tài chính chưa được đạo tạo chuyên nghiệp và thiếu kỹ năng. Hiện nay dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhiệm vụ của dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, việc cung cấp dịch vụ tập trung vào bán sản phẩm hơn là tư vấn một kế hoạch tổng thể về quản lý tài chính cá nhân từ dùng tiêu dùng tới tiết kiệm, đầu tư tương ứng với các mức độ rủi ro mà khách hàng chấp nhận hay các kế hoạch dài hạn hơn như hưu trí và di sản.
Thị trường tài chính Việt Nam chưa có các chuẩn mực nhất định về các nghiệp vụ hay các sản phẩm tài chính, do đó các nhà tư vấn hay tổ chức tài chính có thể thoải mái tư vấn cho khách hàng mình theo hướng có lợi nhất cho tổ chức. Chưa có cơ quản quản lý nào chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, do đó mà hành lang pháp lý dành cho dịch vụ này cũng chưa có trên thị trường. Về phía khách hàng, do nhận thức về tài chính cá nhân còn hạn chế nên những đòi hỏi về dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân là chưa cao. Đối với những người hành nghề tư vấn tài chính cá nhân thì chưa có một tổ chức nào quản lý các chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, do vậy mức độ tin tưởng của khách hàng đối với các nhân viên tư vấn cũng không cao.
Xét một cách tổng thể, người dân cũng như các tổ chức tài chính hay các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính còn rất ít thông tin về dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân nên cả hai bên đều tham gia các dịch vụ tài chính cá nhân ở một mức độ rất hạn chế. Đây là một tổn thất không hề nhỏ đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và cho toàn bộ nền kinh tế xã hội nói chung, đòi hỏi trong thời gian tới cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía tham gia trên thị trường tài chính để thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ tiềm năng này.
Thông qua việc phân tích thực trạng tài chính cá nhân tại Việt Nam, việc nâng cao và phát triển tài chính cá nhân có ý nghĩa rất lớn, để thúc đẩy các hoạt động của quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như:
Thứ nhất, cần sớm ban hành các văn bản pháp luật về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các cơ quan hữu quan cần ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời các quy định, cơ chế chính sách có liên quan một cách kịp thời, trong đó có chú ý đến các yếu tố mới với sự xuất hiện của các công ty fintech...
Thứ hai, cần phát triển nghề tư vấn tài chính cá nhân là một nghề. Trên thế giới, Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân, hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ. CFP được quản lý và cấp bởi Certified Financial Planner Board of Standards (Hội đồng Tiêu chuẩn chứng nhận hoạch định tài chính). Việt Nam cần học hỏi các kinh nghiệm của các nước đi trước để đưa nghề tư vấn tài chính cá nhân Việt Nam đi theo chuẩn quốc tế. Song song với đó, nâng cao vai trò quản lý của các hiệp hội tới nghề Hoạch định tài chính cá nhân để giảm thiểu các rủi ro đạo đức, đảm bảo chất lượng tư vấn, từ đó tạo được sự tin tưởng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, góp phần thúc đẩy dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân phát triển một cách bền vững.
Thứ ba, xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, nâng tầm hiểu biết về tài chính cá nhân, cũng như lợi ích khi sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân. Cần giúp đại bộ phận người dân hiểu việc quản lý tài chính cá nhân không chỉ quan trọng đối với những người giàu, mà kể cả với những người có thu nhập rất bình thường đều phải có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân.
Giải pháp cụ thể có thể là tổ chức các hội thảo, các chương trình tuyên truyền, hay tạo lập các diễn đàn về tài chính cá nhân, đưa lĩnh vực tài chính cá nhân này thành môn học không chỉ ở trong trường đại học, mà cả ở cấp phổ thông, để các bạn trẻ có thể nhận thức được tầm quan trọng của quản lý chi tiêu nói riêng và tài chính cá nhân nói chung. Khuyến khích các tổ chức tham gia vào quá trình đào tạo dân trí về tài chính cá nhân cho mọi tầng lớp dân cư qua mọi kênh có thể như kênh: Website, radio, TV... Cần có các chương trình thiết kế riêng cho từng đối tượng khác nhau. Hình thành các kênh thông tin về tài chính cá nhân chính thống, cập nhật thường xuyên các kiến thức mới và chính xác để mọi người có thể tìm kiếm dễ dàng hơn. Đồng thời cung cấp các thông tin về các hình thức đầu tư, các kênh đầu tư cần thiết cho từng nhóm đối tượng khác nhau.
Thứ tư, hoàn thiện dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân trên thị trường. Cụ thể, các tổ chức tài chính hay các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cần mở rộng nghiệp vụ của mình để tư vấn cho các khách hàng một giải pháp tổng thể về tài chính cá nhân, giúp họ nhận biết được khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro của mình, từ đó đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất.
Lê Long Giang, Phó chủ tịch VFCA